VinaCapital sẽ đầu tư thêm vào các mã bất động sản

(ĐTCK) Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, từ đầu năm đến nay đã giải ngân 50 triệu USD vào các công ty cổ phần tư nhân chưa niêm yết và chiến lược của Quỹ VOF do VinaCapital quản lý là tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ tăng trưởng nội địa, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các khoản đầu tư chọn lọc vào bất động sản.  Báo ĐTCK đã trao đổi với  ông Andy Ho về chủ đề này. 
Từ đầu năm đến nay, trong số 50 triệu USD đã giải ngân, có tới 40 triệu USD được VinaCapital dành cho lĩnh vực vật liệu xây dựng Từ đầu năm đến nay, trong số 50 triệu USD đã giải ngân, có tới 40 triệu USD được VinaCapital dành cho lĩnh vực vật liệu xây dựng

Ông có thể chia sẻ, 50 triệu USD được giải ngân vào những công ty nào, thưa ông?

Chúng tôi đã giải ngân 10 triệu USD vào Bệnh viện tư nhân Thái Hòa và 40 triệu USD vào một công ty lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tiền mới vào tài khoản phong tỏa ở ngân hàng, khi công ty đáp ứng đủ điều kiện về thủ tục, chúng tôi sẽ chính thức giải ngân vào tài khoản công ty và công bố thương vụ. 

Sau thương vụ đầu tư Bệnh viện Hoàn Mỹ, VinaCapital tiếp tục đầu tư vào Thái Hòa. Vậy kinh nghiệm đầu tư các bệnh viện ở Việt Nam sau các thương vụ này như thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư bệnh viện tư ở Việt Nam vì tiềm năng của lĩnh vực này rất tốt. Trình độ của các bác sỹ Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực, thậm chí có lĩnh vực còn giỏi hơn. Tuy nhiên, chúng tôi phải xem xét kỹ các cơ hội và cẩn thận trong đầu tư bởi đã có nhiều tổ chức cũng đầu tư vào bệnh viện, nhưng không thành công. Kinh nghiệm đầu tư vào bệnh viện quan trọng nhất là con người. Mình phải tin họ, họ có chuyên môn và quản lý được bác sỹ.

Ông Andy Ho 

Ông có thể chia sẻ cụ thể lĩnh vực đầu tư VOF sẽ lựa chọn trong năm nay?

Các lĩnh vực phục vụ thị trường nội địa như thực phẩm đồ uống, bất động sản, giáo dục và y tế, logistic, vật liệu xây dựng, nghỉ dưỡng. Chúng tôi cũng tăng các khoản đầu tư vào công ty cổ phần tư nhân và cổ phiếu chưa niêm yết.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường bất động sản sẽ “nguội” lại do các tín hiệu hạn chế tín dụng, cung lớn hơn cầu. Ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng thị trường bất động sản?

Các chính sách tác động đến thị trường bất động sản sẽ được tính đến, song chúng tôi vẫn thấy tiềm năng tăng trưởng rất cao của thị trường này do thu nhập của người dân đang tăng lên.

Có 3 phương thức đầu tư: tự đầu tư dự án; mua lại dự án mang lại thu nhập “đều đều”, chẳng hạn như khách sạn…; và cuối cùng là đầu tư vào công ty bất động sản niêm yết.

Tới đây, VOF sẽ tập trung đầu tư vào chứng khoán của một số công ty bất động sản như Novaland, Khang Điền (mã KDH)… Trong tương lai, sẽ tiếp tục tìm kiếm dự án có thu nhập “đều đều” như cách chúng tôi đã làm khá thành công trước đó.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam?

Chúng tôi nhìn nhận thị trường tốt khi nhìn vào các chỉ số cơ bản như: GDP tăng trưởng tốt, lạm phát thấp, lãi suất thấp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, tình trạng thất nghiệp không cao, tăng trưởng thị trường bán lẻ 8-10%...

Tất nhiên, thị trường cũng đang đứng trước một số yếu tố khó lường từ bên ngoài, song tất cả không hoàn toàn là rủi ro.

Chẳng hạn, khi dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất, khiến đồng USD mạnh lên, gây áp lực lên tỷ giá. Nhưng Fed đã trì hoãn việc tăng lãi suất, đồng USD đã tự điều chỉnh giảm và dòng tiền quay trở lại các thị trường chứng khoán đang phát triển. Nếu tháng 7 tới Fed thực sự tăng lãi suất, thì đồng USD mạnh lên và dòng tiền lại đổ về thị trường Mỹ nhanh hơn. Tăng trưởng của thị trường Trung Quốc đang trong xu hướng giảm, vì vậy, Chính phủ nước này sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, do đó cần đánh giá các tác động của chính sách đó đối với Việt Nam.

Những yếu tố nêu trên là rất khó dự đoán. Tôi cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong một quý chưa nói lên nhiều điều, bởi đó là hoạt động cơ cấu danh mục đầu tư thông thường. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) hiện chiếm tỷ trọng nhỏ, điểm quan trọng là dòng vốn FDI đang tăng lên và đã lập kỷ lục trong quý I vừa qua.

Ông có thể cho biết, cơ cấu danh mục của VOF hiện nay?

Tính đến 31/3/2016, VOF có 48,1% giá trị danh mục là cổ phiếu niêm yết; 12,4% là cổ phiếu bất động sản; 12,3% là cổ phần tư nhân… Phân loại theo ngành thì bất động sản và xây dựng chiếm 24,3% danh mục; thực phẩm và đồ uống 24,5%; vật liệu xây dựng 8,7%...

Thu Hương thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục