Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Don Lam: “Đại sứ”… không lương

(ĐTCK) Được mệnh danh là “Đại sứ đầu tư”, ông Don Lam - Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital đã có những đóng góp tích cực trong việc làm cầu nối gọi vốn vào Việt Nam và đưa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.
Ông Don Lam Ông Don Lam

Nỗ lực đưa Việt Nam ra thế giới

Với quan điểm muốn tiếp thị đầu tư tốt trước hết phải tiếp thị hình ảnh quốc gia, từ hơn 15 năm trước cho đến nay, Don Lam và các cộng sự của mình đã và đang tận dụng cơ hội tham gia các diễn đàn kinh tế, hội nghị đầu tư… để quảng bá về Việt Nam.

Một trong những sự kiện Don Lam dành sự quan tâm đặc biệt đó là Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Tham gia từ năm 2007, có thể nói, VinaCapital là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham dự và gia nhập WEF. Đến với WEF, Don Lam không những đi với tư cách đại diện cho VinaCapital, mà còn là đại sứ “không lương” cho Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới.

Trên cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về Đông Nam Á (Global Agenda Council on ASEAN) tại WEF từ nhiều năm nay, Don Lam chia sẻ, ông đã tham gia thảo luận nhiều đề xuất thúc đẩy sự phát triển cộng đồng này, trong đó có Việt Nam. Chẳng hạn, sáng kiến các sân bay trong toàn bộ khu vực phải có lối đi riêng chỉ để dành cho công dân thuộc ASEAN (ASEAN express immigration lanes); sáng kiến quy hoạch các quốc gia theo lợi thế cạnh tranh, ví dụ Singapore thiên về tài chính, Thái Lan tập trung về ngành ô tô, Indonesia mạnh về khoáng sản, còn Việt Nam là quốc gia nông nghiệp và điện tử. Một sáng kiến khác - lập một kênh truyền hình chung ASEAN, cũng được Don Lam và các cộng sự bàn thảo để triển khai.

Ở một diễn biến khác, Don Lam đã thể hiện xuất sắc vai trò người kết nối giữa cơ hội từ Việt Nam với giới đầu tư quốc tế tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TTCK tại New York do Bộ Tài chính tổ chức vào tháng 7 năm ngoái. Trong vai trò là người điều phối thảo luận, ông đã giới thiệu đến các nhà đầu tư quốc tế về một Việt Nam năng động, cầu thị và nhiều cơ hội. Như nhìn nhận của Don Lam, “sự kiện là một cơ hội hiếm có để quảng bá cho Việt Nam trong bối cảnh Nghị định 60/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngay trước chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ”.

“Chỉ có chưa đầy 2 tháng để phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đối tác khác để mời các nhà đầu tư quốc tế đến tham dự Hội nghị mang chủ đề “My Vietnam - Your Investment Destination” cũng như sắp xếp các cuộc gặp riêng với các tổ chức tài chính lớn như Blackstone, Harbinger, Lazard, Warburg Pincus... Cho đến ngày Hội nghị, thấy khán phòng chật kín khách mời và rất nhiều người phải đứng, chúng tôi mới thực sự tin là các nhà đầu tư Mỹ nói riêng và giới đầu tư quốc tế nói chung rất hào hứng với thị trường Việt Nam”, Don Lam kể lại.

Chỉ quảng bá ở nước ngoài thôi không đủ, hàng năm, Don Lam và các cộng sự của mình đã thúc đẩy các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam thông qua Hội nghị đầu tư thường niên, tổ chức các buổi đi thăm doanh nghiệp, dự án…, giúp họ mắt thấy tai nghe những gì họ được nghe trình bày trước đó. Như dịp Hội nghị các nhà đầu tư tháng 10 năm ngoái, ngoài các nhà đầu tư ngoại, Don Lam đã đích thân mời Charles Robertson, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của Renaissance Capital (một tập đoàn đầu tư đa quốc gia lớn từ Nga), một trong những chiến lược gia nổi tiếng nhất trong giới đầu tư quốc tế về các thị trường mới nổi, làm diễn giả chính. Trước đó, Don Lam đã khéo léo sắp xếp để ông Charles trao đổi với một số lãnh đạo bộ, ngành, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia tại Việt Nam để ông ấy có cái nhìn rõ nét hơn về thị trường Việt Nam.

Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Don Lam: “Đại sứ”… không lương ảnh 1

Ở vai trò người điều phối chương trình, ông Don Lam đã kết nối cơ hội từ Việt Nam với giới đầu tư quốc tế tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TTCK tại New York do Bộ Tài chính tổ chức vào tháng 7 năm 2015 

“Ông Charles đã rất ngạc nhiên với những thông tin sát thực ấy và trên thực tế, ông đã điều chỉnh phần nào bài phát biểu của mình trước Hội nghị và chúng tôi tin rằng, những thông tin ông ấy biết sẽ tiếp tục được truyền tải một cách hiệu quả và thuyết phục đến công đồng các nhà đầu tư quốc tế khi ông ấy có dịp tham gia giao lưu với họ”, Don Lam chia sẻ.

Don Lam cũng là một trong những người đưa Diễn đàn WEF Đông Á về Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại TP. HCM năm 2010. Để đưa sự kiện này đến Việt Nam, Don Lam và các cộng sự phải mất hơn 2 năm để vận động và phải chạy đua với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á để giành quyền đăng cai. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của giới quan sát, các hãng thông tấn và báo chí quốc tế bởi sự tham gia của hơn 450 đại biểu là các nguyên thủ quốc gia và nhiều lãnh đạo của các tập đoàn lớn tầm khu vực và thế giới. Đây là cơ hội vô cùng quý giá để quảng bá Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tạo dựng lòng tin

Những năm 2010 - 2012, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trải qua rất nhiều khó khăn, tất cả các quỹ đang hoạt động tại thị trường này đều chịu không ít tác động tiêu cực và VinaCapital cũng không đứng ngoài vòng áp lực đó. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam giảm sút rất lớn.

Hơn bất kỳ lúc nào, Don Lam và các cộng sự của ông đã “đi vòng quanh thế giới” để lắng nghe, để trình bày, để thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào định hướng hội nhập, tin vào tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, mà tiếp tục theo đuổi các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. “Và rất may mắn là cùng với những cố gắng từ Chính phủ để vượt qua khoảng thời gian khó khăn ấy, niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố hơn lên”, Don Lam nói.

Cùng với nỗ lực tiếp thị đầu tư, Don Lam và các cộng sự của mình đã điều chỉnh chiến lược đầu tư cho phù hợp hơn với nhu cầu đầu tư và tình hình mới. “Đến nay, mọi việc đã dần ổn định và đang từng bước tốt hơn.

Cụ thể, Quỹ Vietnam Infrastructure Limited (VNI) đang tái cấu trúc thuận lợi. Theo đó, VNI đã tách thành 2 quỹ, một quỹ đầu tư cổ phần tư nhân và VVF, quỹ UCITs có quy mô lớn nhất thị trường Việt Nam, đang quản lý danh mục cổ phiếu niêm yết với giá trị tài sản ròng hiện nay khoảng 70 triệu USD.

VinaLand Limited (VNL) đã có lộ trình bán các tài sản đã chín muồi và sẽ thực hiện chiến lược mới trong năm 2016. Chúng tôi sẽ tìm các cơ hội để tái đầu tư nguồn thu từ thoái vốn. Còn với VinaCapital Vietnam Opportunities Fund (VOF), chúng tôi thường xuyên cập nhật và tái cấu trúc danh mục đầu tư theo tình hình thực tế, như thoái một phần các tài sản niêm yết đã đạt mức sinh lời kỳ vọng để đem lại lợi nhuận cho cổ đông và tái đầu tư vào danh mục cổ phần tư nhân”, Don Lam chia sẻ.

Nhìn lại hành trình hơn 15 năm làm “đại sứ đầu tư”, Don Lam thừa nhận có nhiều thay đổi, nhất là nhận thức của các nhà đầu tư về Việt Nam. “Trước đây, khi nói tới Việt Nam, đa số họ (các nhà đầu tư nước ngoài - NV) chỉ biết Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, đã từng rất khó khăn… Nhưng nay, họ đã hiểu về một Việt Nam đang đổi mới từng ngày, kinh tế đang khởi sắc và xã hội đang không ngừng phát triển.”

Theo Don Lam, để biến sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại thành hành động góp vốn cụ thể, ngoài mặt chính sách vĩ mô, còn đòi hỏi sự cố gắng tự thân của các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn. “Nhà nước không thể can thiệp chi tiết về chiến lược, mục tiêu đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế cũng như của doanh nghiệp, mà chỉ giúp cho việc kết nối được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa các bên... Tôi còn nhớ có câu “Người ta có thể dắt con ngựa tới vũng nước, nhưng không thể bắt nó uống được”. Điều này không chỉ áp dụng trong đối nhân xử thế, mà cũng có thể áp dụng ngay trong việc đầu tư”, ông nói.

“Nếu nhà đầu tư không tin tưởng vào chính sách, định hướng kinh tế - xã hội nói riêng và tính ổn định về hệ thống chính trị và quản lý nhà nước nói chung của một quốc gia, đa số họ sẽ không nghĩ tới các cơ hội làm việc với các doanh nghiệp của quốc gia đó, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, sự canh tranh giữa các thị trường truyền thống và mới nổi đang rất gay gắt”.

Triển vọng năm 2016

Gặp Don Lam vào một ngày cận Tết, có vẻ như công việc vẫn không rời khỏi người đàn ông cả năm bận rộn với những chuyến đi này. Ông đang tất bật chuẩn bị lên đường đi Davos (Thụy Sỹ) tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Don Lam tham dự diễn đàn uy tín này.

Chia sẻ về thông điệp mang đến Davos lần này, Don Lam cho biết, có ba khía cạnh của nền kinh tế và thị trường vốn của Việt Nam mà bản thân ông và VinaCapital đang tích cực thuyết phục nhà đầu tư.

Thứ nhất, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất mới của châu Á với ưu thế như hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, chi phí đầu tư và nhân công hấp dẫn. Hơn thế nữa, Việt Nam là thành viên của một loạt cộng đồng kinh tế lớn mà mới nhất là TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Điều này sẽ mang lại lợi ích thiết thực khi họ sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu vào các nước thành viên (thuế suất thấp hoặc miễn thuế).

Thứ hai, Chính phủ khuyến khích đầu tư nước ngoài trên thị trường vốn qua rất nhiều động thái như nới “room” cho nhà đầu tư ngoại, công bố chi tiết các ngành nghề hạn chế đầu tư nước ngoài…

Thứ ba là định giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có tỷ lệ P/E khoảng 12x, thấp hơn đáng kể so với trung bình 15-18x tại các thị trường khu vực.

Mặc dù trong năm qua, VinaCapital đã gặp không ít khó khăn trong việc gọi thêm vốn đầu tư vì các thị trường mới nổi đã có nhiều biến động ngoài dự đoán, nhưng Don Lam tin rằng, năm 2016 sẽ rất khả quan. “Nhiều nhà đầu tư ở châu Âu đánh giá cao quỹ mở Forum One-VCG Partners Vietnam (VVF), sản phẩm đầu tư mới nhất của VinaCapital. Họ cũng đề xuất hợp tác cùng VinaCapital trong các cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân”, ông chia sẻ.

Riêng yếu tố tỷ giá, vấn đề đang được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm hàng đầu, ông Don Lam cho rằng, với chính sách tỷ giá trung tâm có thể xem như là “thả nổi có kiểm soát” hiện nay, họ có thể thấy rõ hơn các chỉ dấu về định hướng của Ngân hàng Nhà nước và sẽ chủ động điều chỉnh chiến lược đầu tư một cách thích hợp nhất. Điều này khiến họ an tâm hơn vì dòng vốn của họ sẽ không bị ảnh hưởng đột ngột như trước.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khá bất ổn và sức cạnh tranh giữa các thị trường rất lớn, các nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn nhưng mức lợi nhuận cũng đã khác trước. Việc nhận diện các cơ hội đầu tư hầu như không thay đổi - vẫn là những tiêu chí cơ bản - lợi nhuận, tiềm năng phát triển, thị phần, thương hiệu, công tác quản trị… Nhưng rõ ràng, khi có nhiều cơ hội hơn, các nhà đầu tư sẽ “kén cá chọn canh” hơn trước, họ sẽ định hướng rõ ràng hơn dựa trên lịch sử đầu tư của chính họ và các đối tác khác. Các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn, nhưng chắc chắn họ phải cạnh tranh nhiều hơn để đạt được mục tiêu của mình”, ông Don Lam nhận xét.   

“Chat” với “Đại sứ đầu tư” 

Người dân Việt Nam tỏ ra hứng thú với Facebook, Uber taxi… Còn ông thì sao?

Tôi không có thời gian cho mạng xã hội, nhưng thường xuyên dùng Uber, Grabtaxi và thấy các công nghệ này tiện lợi, thoải mái. Đầu tư thì không, vì cả Uber và Grabtaxi đã có giá trị quá lớn. Tuy nhiên, từ lâu chúng tôi đã đồng hành với các công ty khởi nghiệp, truyền thông… đang tạo nên một làn sóng mới ở Việt Nam.

Thông qua Quỹ DFJ VinaCapital đồng quản lý với Tập đoàn Draper Fisher Jurvetson, chúng tôi đầu tư vào mạng truyền thông đa phượng tiện Yeah1, Công ty quảng cáo Chicilon Media hay Greenvity Communications (Mỹ) - hãng sáng tạo các công nghệ trong lĩnh vực Internet kết nối mọi vật…

Bận rộn với các chuyến đi, ông cân bằng công việc và gia đình thế nào?

Tôi luôn ưu tiên thời gian cho gia đình khi có thể. Ngày nghỉ hay dịp lễ, cả nhà cùng về Khánh Hòa - nơi tôi sinh ra, hoặc tôi đưa ba đứa trẻ đến thăm những em bé mổ tim (do Quỹ từ thiện VinaCapital Foundation-VCF tài trợ) đang ở bệnh viện để các con tôi hiểu về lòng tốt và biết giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.

Ông không chỉ thành công trong việc gọi vốn vào các quỹ đầu tư, mà còn đóng góp rất lớn vào việc gây quỹ từ thiện VCF. Ông thuyết phục các nhà hảo tâm bằng cách nào? Theo ông, làm từ thiện có khó không? 

Tôi nghĩ lý do lớn nhất để nhiều nhà tài trợ tin tưởng Quỹ VCF là Quỹ đã hoạt động minh bạch và hiệu quả trong gần 10 năm qua, với một guồng máy khép kín từ khâu khám sàng lọc đến khi theo dõi trẻ hồi phục, song song đó là việc hỗ trợ nâng cao năng lực và chất lượng y tế ở những địa phương còn thiếu thốn. Năm qua, chương trình Nhịp Tim Việt Nam đã mổ cho 526 em, đưa tổng số trẻ mổ với chúng tôi lên hơn 4.400 em.

Rất khó để nói rõ là hành trình làm từ thiện của tôi - thông qua VCF - trong suốt một thập niên là khó hay dễ. Tôi chỉ biết, năm nào kinh tế khó khăn, gây quỹ được ít, nhiều em nhỏ phải đợi mổ là tôi rất day dứt. Nhưng 2015 lại rất vui vì chúng tôi đón nhiều nhà tài trợ lớn giúp gây quỹ cho gần 800 ca mổ và hàng trăm em sẽ được mổ tim miễn phí ngay sau Tết Bính Thân.

Phan Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục