VinaCapital: Ngành ngân hàng Việt vẫn có sức hấp dẫn cao

0:00 / 0:00
0:00
Ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng, trong ngắn hạn, ngân hàng Việt có thể đối mặt với biên lợi nhuận mỏng, chi phí tăng song vẫn hấp dẫn xét trong dài hạn.
VinaCapital: Ngành ngân hàng Việt vẫn có sức hấp dẫn cao

Theo ông Michael Kokalari, không có quỹ nào của VinaCapital đầu tư vào VTP hoặc SCB. Tuy vậy, các sự kiện xảy ra với Vạn Thịnh Phát và SCB (cuối tuần qua NHNN thông báo đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt), theo VinaCapital là không có tính rủi ro hệ thống.

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư rằng liệu có bất kỳ hậu quả tiềm ẩn nào trong hệ thống ngân hàng từ các sự kiện gần đây hay không, VinaCapital khẳng định câu trả lời là “không”, dựa trên ba bằng chứng.

Thứ nhất, các ngân hàng khác không bị rút tiền ồ ạt. Thứ hai, thị trường liên ngân hàng tiếp tục hoạt động bình thường kể từ khi có thông tin về SCB. Thứ ba, nhóm ngân hàng của S&P cho rằng rủi ro từ sự kiện này chỉ giới hạn ở từng ngân hàng và không kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia của S&P với Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, SCB không phải là một vấn đề mang tính hệ thống, mà là trường hợp cá biệt của một ngân hàng.

Theo ông Michael Kokalari, trong ngắn hạn, những rủi ro đối với ngành ngân hàng có thể đến từ hai yếu tố. Thứ nhất là biên lợi nhuận mỏng, do chi phí huy động vốn cao hơn và điều chỉnh lãi suất cho vay chậm hơn, một phần là do chính phủ kêu gọi hạn chế tốc độ tăng lãi suất cho vay. Thứ hai, rủi ro với chất lượng tài sản là trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn (và có thể làm lung lay niềm tin vào các đợt phát hành trái phiếu trong tương lai).

Tuy nhiên, VinaCapital cho rằng, định giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức rẻ với P/B trung bình 1.3x so với 19.2% ROE và P/E FY22 ở mức 9.1x so với mức tăng trưởng thu nhập dự kiến ít nhất là 30% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023.

Chính vì vậy, trong dài hạn, ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp, và thu nhập tăng. Điều này nghĩa là Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, do đó ngành ngân hàng của đất nước chưa đến giai đoạn bão hòa.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục