Theo cam kết, VCF và BFC sẽ cùng đơn vị quản lý là Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đắk Lắk và Trung Tâm Khuyến nông sẽ tiến hành các bước khảo sát, đánh giá, xây dựng và đưa các tiến bộ kỹ thuật vào việc xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất cà phê chất lượng, gom các hộ đang canh tác nhỏ lẻ thành một vùng canh tác tập trung, để nâng cao năng suất cho 6 thôn và 6 buôn tại Êa Tu, Buôn Ma Thuột.
Chương trình sẽ giải quyết, khắc phục 3 thực trạng cơ bản còn tồn tại trong công tác trồng cà phê hiện nay, đó là vấn đề thực hiện tái canh, đất trồng và kỹ thuật thu hoạch chế biến.
Trong đó, việc thực hiện tái canh cũng gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do người nông dân thiếu vốn, thiếu kiến thức về kỹ thuật tái canh lẫn khả năng tiếp cận nguồn vốn, chần chừ trong việc tái canh vì phải mất đến 2-3 năm không có thu hoạch từ cây cà phê, do đó đời sống người nông dân khó khăn do không có thu nhập nào khác.
Về vấn đề đất trồng, biến đổi khí hậu, thâm canh, chạy theo lợi nhuận, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý... đã khiến đất trồng cà phê tại Đắk Lắk ngày càng xuống cấp, thoái hóa trầm trọng.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật của người nông dân như việc sử dụng phân bón, kỹ thuật bón phân cho loại đất trong từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây không đúng quy trình, khuyến cáo của các nhà sản xuất đã ảnh hưởng nhiều đến độ phì nhiêu của đất
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng của việc cà phê Việt Nam mất sản lượng và giảm chất lượng sau thu hoạch, đó là thói quen thu hoạch hạt cà phê xanh và chín lẫn lộn.
Theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Đắk Lắk, tỷ lệ quả chín của sản phẩm thu hoạch đạt yêu cầu kỹ thuật (đạt 90%) chỉ chiếm có 2%, còn lại phần lớn có tỷ lệ quả chín từ 70% - 90%, chiếm 58%, đây là yếu tố chính làm giảm chất lượng sản phẩm cà phê tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua.