Điều này có thể được thực hiện bằng cách Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Metfone (thương hiệu của Viettel tại Campuchia) và Unitel (thương hiệu của Viettel tại Lào) sẽ phối hợp cho phép các thuê bao của mình liên lạc đến thuê bao của hai mạng kia như liên lạc nội mạng trong nước.
Việc này nếu được thực hiện, có thể sẽ là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng về viễn thông ở tầm thế giới. Đó là vì giải pháp đột phá này chưa có tiền lệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị.
Cơ chế viễn thông nội vùng với ba quốc gia
Viettel đã sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật để có thể thực hiện cơ chế tính cước liên lạc nội vùng nói trên kể từ 1/1/2017. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng Campuchia Hun-xen và Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lit cho phép Viettel giúp Campuchia và Lào xây dựng mạng viễn thông 4G, hỗ trợ xây dựng chính quyền điện tử.
Thủ tướng Campuchia Hun-xen tỏ ý vui mừng trước những đề xuất này của phía Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng Hun-xen đề nghị Viettel, Metfone và Unitel nghiên cứu thiết lập hệ thống hội nghị truyền hình giữa Campuchia - Lào - Việt Nam để Thủ tướng, các bộ, ngành, cơ quan của ba quốc gia có thể trao đổi trực tiếp với nhau các vấn đề hợp tác, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, nâng cao hiệu quả công việc.
Thủ tướng Campuchia Hun-xen đánh giá rất cao những thành quả của Metfone tại Campuchia, trong đó có việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động của các cơ quan công quyền tại Campuchia. “Nếu không có sự xuất hiện của Metfone thì nhiều việc chúng tôi chưa biết cách giải quyết ra sao”, Thủ tướng Hun-xen nói.
Chưa khối kinh tế nào làm được
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, đã từ lâu Viettel mong muốn được xây dựng một mạng lưới viễn thông nội bộ, nội vùng cho toàn bộ các thuê bao thuộc hệ thống của Viettel tại ba quốc gia là: Việt Nam, Lào, Campuchia.
Người dân tại 3 quốc gia trên gọi cho nhau sẽ giống như gọi trong nước. Không những thế, khi người dân một trong ba nước trên đi ra nước thứ 4, thì cũng sẽ được tính phí roaming giống nhau.
Có thể nói, nếu những ý tưởng và giải pháp kỹ thuật này được thực hiện thì sẽ là đóng góp rất lớn của Viettel đối với việc phát triển kinh tế trong khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
"Việc thiết lập cầu truyền hình giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Văn phòng Thủ tướng của Campuchia và Lào, Viettel có thể sẽ thực hiện xong chỉ trong vòng một vài tháng"
- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel.
Chưa một khu vực, một khối kinh tế nào trên thế giới hiện nay thực hiện được việc tính cước liên lạc viễn thông quốc tế như gọi nội bộ quốc gia. Vì thế, nếu đề xuất trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được ba quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia thực hiện thì sẽ là một cuộc cách mạng viễn thông đầy tính nhân văn.
“Thực tế đây là một biểu hiện rõ ràng của thế giới phẳng. Các quốc gia sẽ được xích lại gần nhau hơn, việc làm ăn, hợp tác sẽ rất thuận lợi, giảm chi phí của nền kinh tế. Người dân sẽ được hưởng lợi. Bà con Việt kiều, rồi những người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia và Lào có thể gọi điện về Việt Nam thoải mái để gặp người thân mà không phải lo ngại về cước phí quốc tế”,Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Về việc thiết lập cầu truyền hình giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Văn phòng Thủ tướng của Campuchia và Lào, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Viettel có thể sẽ thực hiện xong chỉ trong vòng một vài tháng.
“Khi Viettel hoàn tất 4 việc gồm: Thứ nhất xây dựng hạ tầng viễn thông 4G; thứ hai thiết lập cơ chế tính giá cước nội mạng giữa ba quốc gia; thứ ba xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình kết nối 3 thủ tướng, 3 chính phủ; thứ tư, hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử ở ba quốc gia, thì chắc chắn là ba nền kinh tế: Campuchia-Lào-Việt Nam sẽ được kết nối mạnh hơn nhiều” - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Viettel - cầu nối của các nền kinh tế
Thực tế, Viettel hoàn toàn có khả năng về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tiềm lực tài chính và thị phần để có thể đi đầu trong việc thực hiện liên lạc viễn thông nội vùng đối với Campuchia, Lào, Việt Nam. Những điều tốt đẹp mà Viettel đã mang đến cho ngành viễn thông nói riêng và nền kinh tế của ba quốc gia nói chung là minh chứng cho sự nghiêm túc của những đề nghị nêu trên.
Metfone (thương hiệu của Viettel tại Campuchia) đã đưa dịch vụ viễn thông đến với người nghèo.
Tại thời điểm khai trương, thị trường viễn thông Campuchia đã có 7 nhà mạng khác, trong đó có 3 nhà mạng đã tồn tại gần 10 năm là: Mobitel, Mfone và TMIC với thị phần rất lớn. Đặc biệt, nhà mạng Mobitel chiếm hơn 50% thị phần, một con số tưởng chừng khó có thể vượt qua tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, chỉ sau hai năm thành lập, Metfone đã tạo nên một kỳ tích trong lịch sử viễn thông Campuchia khi vươn lên số 1, vượt qua 7 doanh nghiệp khác đã có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường này. Sáu năm qua, Metfone vẫn giữ vững vị thế này với 46% thị phần di động, 60% thị phần cố định băng rộng. Đến nay, Metfone đã thu hồi hết vốn cho Viettel, đem lại lợi nhuận về nước hơn 200 triệu USD, gấp hơn 5 lần vốn đầu tư.
Khai trương năm 2009, đến nay Metfone đang giữ vững là nhà mạng số 1 Campuchia và đã thu hồi hết vốn cho Viettel, đem lại lợi nhuận về nước hơn 200 triệu USD, gấp hơn 5 lần vốn đầu tư
Đối với ngành viễn thông Campuchia, Metfone đã có những đóng góp lớn. Lần đầu tiên mạng lưới di động đã phủ đến vùng sâu, vùng xa với gần 9.000 trạm (2G, 3G, 4G) và hơn 20.000km cáp quang (phủ 100% huyện và 95% xã) trong khi nhà mạng thứ 2 chỉ có 5.000km cáp quang.
Kể từ khi Metfone cung cấp dịch vụ, giá cước viễn thông đã giảm từ 2-4 lần, mức độ thâm nhập của các dịch vụ tăng lên từ 2-10 lần (di động tăng từ 29% lên 80%, băng rộng cố định tăng từ 2% đến 15%). Với sự tăng trưởng thần kỳ, Metfone đã mang lại sự thay đổi đáng ghi nhận cho cuộc sống người dân Campuchia. Tất cả mọi người đều có thể sử dụng điện thoại, trong đó có người nghèo, người dân ở vùng núi xa xôi hay biển đảo. Metfone đã thực sự mang đến cho người dân Campuchia một cuộc cách mạng về viễn thông.
Còn tại Lào, Unitel là thương hiệu của công ty Star Telecom, liên doanh giữa Viettel và đối tác L.A.T của Lào, trong đó Viettel chiếm 49%. Là thương hiệu nước ngoài thứ hai của Viettel (sau Metfone ở Campuchia), khai trương 10/2009, Unitel nhanh chóng trở thành nhà mạng số 1 tại Lào và đang giữ tốc độ hoàn vốn kỉ lục của Viettel, hoàn vốn sau 3 năm kinh doanh. Thông thường, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ bắt đầu tính đến chuyện có lãi sau 5 năm kinh doanh.
Khai trương 10/2009, Unitel nhanh chóng trở thành nhà mạng số 1 tại Lào và đang giữ tốc độ hoàn vốn kỉ lục của Viettel, hoàn vốn sau 3 năm kinh doanh.
Hiện tại Unitel đem lại lợi nhuận hằng năm từ 50 triệu đến 100 triệu USD. Tính đến tháng 8/2016, Unitel đã cán mốc 1 tỷ USD doanh thu lũy kế sau 7 năm kinh doanh, với EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) đạt hơn 60%.
Mạng di động của Unitel đứng đầu thị trường, bao phủ rộng khắp tới cả các khu vực địa hình khó khăn phức tạp với hơn 4.000 trạm phát sóng (2G, 3G và 4G) và 23.000km cáp quang. Tính trung bình trên 1 triệu dân, mật độ cáp quang đạt 6.600km (gấp 6,6 lần mật độ trung bình thế giới), mật độ trạm phát sóng là 950 trạm (gấp 5 lần mật độ trung bình thế giới).
Ngày 15/10/2012, Unitel là doanh nghiệp khai trương cung cấp dịch vụ 3G với vùng phủ mạng lưới đứng đầu tại quốc gia Lào. Tháng 6/2015, Unitel cũng chính thức cung cấp dịch vụ 4G, một lần nữa khẳng định vị thế nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Lào.
Nhờ triết lý luôn đem lại cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, với công nghệ tiên tiến nhất, tới nay, Unitel có 2,65 triệu khách hàng, chiếm 47% thị phần, đứng số 1 tại Lào trong suốt 6 năm liên tiếp. Mới đây, Unitel đã hợp tác đưa Laolympic-sân chơi tri thức đầu tiên dành cho học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 tới cho đất nước Triệu Voi.
Chính những thành tựu đạt được cùng những ảnh hưởng tích cực tới thị trường đã khiến Unitel được giới chuyên môn đánh giá cao. Brand Finance-công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh khẳng định, giá trị thương hiệu của Unitel tăng 106% so với năm 2015 và là thương hiệu viễn thông hoạt động hiệu quả nhất khu vực ASEAN.
Trước đó, ngày 13/11/2012, tại Giải thưởng Truyền thông Thế giới (World Communication Award - WCA) 2012, Unitel cũng đã chiến thắng tại hạng mục Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển.
Nhân viên Unitel (thương hiệu của Viettel tại Lào) đang bán hàng tại một tỉnh miền núi của Lào.
Đây cũng là sản phẩm CNTT do chính người Việt Nam xây dựng, phát triển. Chiến lược của Tập đoàn Viettel trong thời gian tới-phát triển các ứng dụng CNTT và đưa vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng đang được cụ thể hóa tại nhiều thị trường nước ngoài trong đó có thị trường Campuchia. Điều đó cũng một lần nữa cho thấy tầm nhìn của Viettel về việc mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho việc kinh doanh và phát triển các lĩnh vực mới như: CNTT, nghiên cứu sản xuất.
Với vị thế vững chắc tại thị trường, Metfone cũng đã là cầu nối cùng các doanh nghiệp Việt Nam khác vươn tới thị trường Campuchia đầy tiềm năng như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), FPT Telecom, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Bệnh viện Chợ Rẫy... Tương tự tại Lào, Unitel cũng là cầu nối vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Lào như: Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Viettinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), FPT...
Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được lập ra nhằm mục đích tăng cường tính liên kết, tính kết nối giữa 3 quốc gia trong khu vực. Và có lẽ, các giải pháp về viễn thông, công nghệ thông tin chính là một hướng đột phá giúp cho nền kinh tế ba quốc gia xóa nhòa khoảng cách về không gian và biên giới lãnh thổ để trở nên gần gũi với nhau hơn, cùng nhau phát triển bền vững. Bản chất của viễn thông là xóa nhòa khoảng cách về không gian. Viettel luôn là doanh nghiệp dẫn đầu trong việc thể hiện bản chất ấy.