"Viettel sẽ tạo cuộc bùng nổ viễn thông lần 2 với 4G"

 Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đề nghị Viettel với vai trò doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh sẽ tiếp tục tạo ra cuộc bùng nổ lần thứ 2 trong ngành viễn thông Việt Nam thông qua dịch vụ di động 4G.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn

Chiều 4/11, sau chuyến tham quan và nghe báo cáo của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) về chiến lược nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ cao, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: “Tôi đã xuống thăm một số đơn vị nghiên cứu và thật sự ấn tượng với các hoạt động nghiên cứu, sản xuất của Viettel.

Đây là hướng đi mới, lâu dài và được kỳ vọng sẽ giúp Viettel trở thành một tập đoàn không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn sản xuất thiết bị công nghệ cao, thực hiện mục tiêu năm 2020 trở thành tổ hợp nghiên cứu sản xuất; trong lĩnh vực thiết bị quân sự phải trở thành một tổ hợp nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự, một tổ hợp công nghiệp quốc phòng; tự chủ được phần lớn thiết bị hạ tầng viễn thông – vấn đề cốt lõi bảo đảm an ninh mạng viễn thông Việt Nam”.

Báo cáo với người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông, lãnh đạo Viettel đã thông tin về việc sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị hạ tầng cho mạng 4G (trạm thu phát vô tuyến 4G macro).

Các thiết bị do Viettel sản xuất cũng có các tính năng như của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay. Lãnh đạo Viettel bổ sung, trong quý I/2017, tập đoàn này sẽ chính thức đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam.

Đồng thời, Tập đoàn này cũng thúc đẩy việc nghiên cứu mạng lõi 4G (EPC) và thiết bị truyền dẫn Site Router để đưa vào thử nghiệm cùng thời gian này. Từ 2018, Viettel sẽ tiến hành thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm do chính công ty sản xuất.

Chia sẻ với những thành tựu của Viettel đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh vị trí doanh nghiệp chủ đạo về Viễn thông và CNTT của Việt Nam: “Viettel đã tạo ra sự bùng nổ trong ngành viễn thông Việt Nam, nhân tố để thúc đẩy sự phát triển của thị trường và chất lượng dịch vụ”.

Người đứng đầu ngành thông tin truyền thông còn nhắc tới Viettel với vị thế là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất, chiếm gần 60% lợi nhuận của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước; Doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn sở hữu vào loại cao nhất trong ngành (32%); Doanh nghiệp nằm trong Top 40 doanh nghiệp viễn thông có doanh thu lớn nhất thế giới và Top 30 các doanh nghiệp viễn thông có số thuê bao di động lớn nhất thế giới; Doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đi ra nước ngoài với tổng số nước đã đầu tư kinh doanh viễn thông tại 10 nước trên thế giới; và là doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao với các chương trình xã hội lớn, hiệu quả.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng lưu ý những vị thế đó cũng đi kèm với trách nhiệm: “Với kinh nghiệm triển khai 4G của Viettel tại các thị trường nước ngoài đang đầu tư, tôi đề nghị, Viettel với vai trò doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh sẽ tiếp tục là doanh nghiệp tạo ra cuộc bùng nổ trong ngành viễn thông Việt Nam lần thứ 2 thông qua dịch vụ di động 4G khi triển khai cung cấp dịch vụ 4G cho người dân trên phạm vi toàn quốc sớm nhất, tốc độ tải dữ liệu tối thiểu cao nhất, chất lượng dịch vụ tốt nhất và nhiều dịch vụ ứng dụng, dịch vụ giải pháp cho các đối tượng khách hàng nhất”.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cũng bày tỏ: “Tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, Viettel một lần nữa sẽ dẫn đầu trong việc cung cấp dịch vụ 4G tới người dân trên phạm vi toàn quốc, tiếp tục khẳng định được vị thế của một doanh nghiệp chủ lực của nhà nước trong lĩnh vực VT-CNTT xứng đáng với vị trí là một trong những Tập đoàn Kinh tế hàng đầu của đất nước và của quân đội, vừa có nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa phải đảm bảo gắn liền với nhiệm vụ Quốc phòng - an ninh”.

Viettel bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị mạng viễn thông – một lĩnh vực mà hiện trên thế giới chỉ còn có 5 nhà cung cấp. Trong chiến lược mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do Viettel làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Tất cả các thành phần từ mạng lõi (vOCS, MSC, EPC, IMS), mạng truyền dẫn (Site Router) đến mạng truy nhập (eNodeB) của Viettel sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào.

Trước đó, Viettel đã sản xuất được hệ thống quản lý thuê bao, hệ thống tổng đài chuyện mạch 3G, hệ thống tổng đài tin nhắn kết hợp với hệ thống chặn lọc tin nhắn rác. Đây được ví như là trái tim và bộ não của hạ tầng mạng viễn thông. Các hệ thống này đều đã được đưa vào vận hành trong mạng viễn thông của Viettel tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh thiết bị viễn thông, lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao đã giúp Viettel có doanh thu hàng năm gần 10.000 tỷ đồng, giúp cho đất nước tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu. Với công nghiệp Quốc phòng, Viettel đã sản xuất được máy thông tin, rađa, hệ thống quản lý và cảnh giới vùng biển, vùng trời, máy bay không người lái…

Với việc chứng minh được năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực quân sự, Viettel đã được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.


Theo Dân trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục