Trong báo cáo kết quả hoạt động đầu tư tháng 8 mới được công bố, Vietnam Holding cho biết, NAV (giá trị tài sản ròng) của quỹ tăng 10% trong tháng, tương đương với mức tăng 10,2% của chỉ số Vietnam All Share. Tính từ đầu năm tới cuối tháng 8, hiệu suất đầu tư của Vietnam Holding là -10,3%, so với mức - 5,7% của chỉ số Vietnam All Share.
Trong tháng 8, các cổ phiếu thuộc Top 10 mã chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục đầu tư của Quỹ đều tăng trưởng dương, với đà leo dốc mạnh nhất thuộc về Thế giới Di động (25,7%), Vietcombank (18,8%), Vàng bạc trang sức Phú Nhuận (16,5%) và Gemadept (13,3%)…
Một biến động đáng chú ý trong Top 10 là việc tỷ trọng của cổ phiếu VHM – Vinhomes tăng từ mức 4,3% cuối tháng 7 lên 6,7% cuối tháng 8; HPG – Hoà Phát từ 7% lên 8,7%. Với việc Vietnam Holding đang quản lý 126,1 triệu USD, khoản tiền rót vào cổ phiếu VHM và HPG ước tính vào khoảng 8,45 triệu USD và 10,9 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, MBB và VTP không còn nằm trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất, thay thế vào đó là CTG và GMD, với tỷ trọng lần lượt 4,6% và 4,2%.
Như vậy, Vietnam Holding đã gia tăng đầu tư vào các ngành bất động sản (từ 17% lên 19%) và ngân hàng (từ 16% lên 19%), trong khi giảm tỷ trọng các lĩnh vực tiện ích, bán lẻ, hàng hoá và dịch vụ công nghiệp.
Top 10 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục của Vietnam Holding |
Vietnam Holding nhận định, Việt Nam sẽ duy trì là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp quốc tế tái cơ cấu chuỗi cung ứng hàng hoá, giảm bớt hoạt động tại Trung Quốc nhằm tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 cũng giúp các nhà đầu tư trở nên tự tin hơn để rót vốn vào đây.
Chia sẻ về một số quyết định đầu tư trong tháng 8, Vietnam Holding cho biết, Quỹ đã bổ sung thêm cổ phiếu VNM – Vinamilk bởi đánh giá cao yếu tố quản trị và chiến lược tăng trưởng bền vững của hãng. Bên cạnh đó, FPT – khoản đầu tư đang giữ tỷ trọng lớn nhất cũng duy trì vị thế trong danh mục của quỹ vì áp dụng các thông lệ quản trị tốt.
Trong báo cáo “Thế hệ tiếp theo tại Việt Nam” (Next Generation Vietnam) do Hội đồng Anh công bố tháng 8, một khảo sát cho thấy 40% người dân Việt Nam trong độ tuổi 16 – 30 có kế hoạch tự khởi sự kinh doanh. Các hiệp định tự do mới được ký kết, trong đó có hiệp định với châu Âu… phần nào tạo động lực cho yếu tố kinh doanh chú trọng tới môi trường – xã hội – quản trị (ESG) tại Việt Nam.
Theo đó, Vietnam Holding cho rằng, Quỹ sẽ chú trọng và cổ vũ các doanh nghiệp đang được rót vốn chú trọng tới yếu tố ESG.