Điều chỉnh khoản đầu tư
Trong tháng 10/2020, giá trị tài sản ròng của Vietnam Holding tăng cao hơn chỉ số Vietnam All Share nhờ việc nắm giữ tỷ trọng đáng kể một số công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, ngân hàng và viễn thông.
Trong đó, đáng góp lớn nhất cho mức tăng trưởng của Quỹ là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát.
Tại lĩnh vực bán lẻ, Vietnam Holding hưởng lợi nhờ nắm giữ cổ phiếu MWG của Thế giới Di động và cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, khi giá các cổ phiếu này tăng lần lượt 1,8% và 14,2% trong tháng 10. Khoản đầu tư vào cổ phiếu CTG của VietinBank cũng mang lại kết quả tích cực.
Dù vậy, tính từ đầu năm tới cuối tháng 10, hiệu suất đầu tư của Vietnam Holding là -4%, trong khi chỉ số Vietnam All Share tăng 1,2%.
Đáng chú ý, Quỹ đã thực hiện chốt lời một phần đối với cổ phiếu MWG trong tháng 10, giảm tỷ trọng MWG trong danh mục từ 8% xuống 4%.
Tháng 10 là thời điểm Vietnam Holding thực hiện tái cơ cấu đáng kể các khoản đầu tư trong danh mục theo hướng rót vốn nhiều hơn vào ngành ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, đồng thời thoái bớt vốn khỏi ngành bất động sản, bán lẻ và viễn thông.
Cụ thể, tỷ trọng khoản đầu tư FPT trong danh mục giảm từ 11,6% vào cuốt tháng 9/2020 (xếp vị trí đầu tiên trong Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất) xuống 9,7% trong tháng 10/2020; VHM giảm từ 6,3% xuống 5,7%; KDH giảm từ 6,2% về 4,6%.
Trong giai đoạn đại dịch, Vietnam Holding đã gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, với nhận định đây là nhóm đang có giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng mạnh. Theo đó, CTG được gia tăng tỷ trọng từ 4,6% lên 6,4%; MBB xuất hiện trong nhóm các khoản đầu tư lớn nhất của Quỹ, thay thế cho VCB, chiếm tỷ trọng 3,8%.
Ông Craig Martin, Giám đốc danh mục đầu tư Vietnam Holding, Chủ tịch Dynam Capital (đơn vị chủ quản của Vietnam Holding) trả lời phỏng vấn Proactive cho rằng, ngành ngân hàng nổi bật tại Việt Nam, không giống với tình hình tại nhiều quốc gia phát triển khác.
“Ngành ngân hàng Việt Nam chịu sự quản lý gắt gao và phải áp dụng các tiêu chuẩn tốt nhất. Điều này thúc đẩy các nhà băng duy trì bảng cân đối khoẻ mạnh hơn và có khả năng phục hồi hoạt động tốt hơn… Chúng tôi tin rằng, năm 2021 sẽ chứng kiến sự trở lại của các ngân hàng khi nền kinh tế phục hồi, với mức tăng trưởng GDP dự báo từ 7 - 8%”, ông Craig Martin cho biết.
Thị trường Việt Nam có thể thu hút hàng trăm triệu USD
Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số MSCI Frontier Markets 100, sau khi Kuwait gần đây được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể chiếm tới 30% rổ chỉ số này cho tới cuối năm 2021 và có khả năng thu hút thêm hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam là đặc biệt, không chỉ bởi tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 3 thập kỷ qua và kể từ khi thị trường chứng khoán ra đời cách đây 20 năm, mà còn bởi đây là một trong số ít quốc gia trên toàn cầu có thể kết thúc năm 2020 với tăng trưởng GDP dương.
Nhờ thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 mà nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh trong nửa cuối năm 2020. Chính phủ có mục tiêu gia tăng đầu tư công, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì sức mạnh trong tháng 10 và xuất khẩu tăng trưởng 10,2% trong tháng, đưa thặng dư thương mại lên mức kỷ lục 18,7 tỷ USD.
Các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III cho thấy hoạt động tích cực ở nhiều lĩnh vực, từ các ngành chịu tác động lớn nhất bởi đại dịch như hàng không, du lịch, cho tới các lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp. Một phần nguyên nhân xuất phát từ sức mua trong nước và du lịch nội địa phục hồi.
Việt Nam đã chứng tỏ được sự vững vàng trong đại dịch, củng cố vị thế trong danh sách các đối tác thương mại toàn cầu và trở nên thu hút hơn nữa với các doanh nghiệp đang dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá ra khỏi Trung Quốc. Các mối quan hệ thương mại được kỳ vọng sẽ tiến xa hơn.