Căn bệnh trầm kha kém minh bạch
Tuy đã có không ít biện pháp “nhắc nhở” từ nhẹ đến nặng, nhưng vẫn còn tới gần 1/3 trong tổng số 54 tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc các bộ, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương chưa thực hiện công bố thông tin đầy đủ và đúng thời hạn đối với 9 loại nội dung báo cáo doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NÐ-CP.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước năm 2019 cho thấy, không chỉ bản thân doanh nghiệp nhà nước không tự giác, thực hiện đối phó, mà ngay cả cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng chưa làm tròn chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về việc thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
“Việc chậm chuyển biến trong cải thiện tình trạng công bố và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp sẽ khiến các bên liên quan hoài nghi về hoạt động, quản trị, cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp. Tình trạng này đáng lo ngại vì công khai thông tin tài chính cơ bản theo chế độ báo cáo quốc gia là công cụ để cơ quan nhà nước, báo chí và công chúng giám sát thực hiện việc minh bạch tài chính của doanh nghiệp và xử lý các vấn đề liên quan một cách kịp thời”, bà Mai Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch nhận xét.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị, việc công khai các báo cáo phải song song với minh bạch thông tin, vì nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay có báo cáo nhưng không minh bạch, công bố thông tin mang tính đối phó.
Các chuyên gia nhấn mạnh, với việc điều chỉnh quy định khái niệm doanh nghiệp nhà nước bao gồm cả các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, rất cần có sự điều chỉnh, bổ sung trong khung quy định về công khai, minh bạch thông tin của loại doanh nghiệp này.
Cân bằng mục tiêu giám sát thông tin và thuận lợi cho doanh nghiệp
Hiện tại, dự thảo Nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước thay thế Nghị định 81/2015/NĐ-CP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn tất, dự kiến trình Chính phủ vào cuối tháng 10.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung về quy định công bố thông tin nhằm đảm bảo giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Thư ký chịu trách nhiệm việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) cho biết, hiện nay, việc công bố thông tin của Vietnam Airlines tuân thủ theo 2 vai trò, vừa là công ty cổ phần có trách nhiệm công bố thông tin tới các cổ đông, vừa là doanh nghiệp có vốn nhà nước phải báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo các quy định hiện hành.
Với tư cách là công ty cổ phần, Vietnam Airlines thực hiện công bố thông tin theo quy định trên thị trường chứng khoán, cụ thể là Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, bao gồm báo cáo tài chính quý, báo cáo thường niên đã được soát xét, báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán kèm theo giải trình biến động lợi nhuận sau thuế (nếu có), báo cáo quản trị công ty định kỳ 6 tháng và năm, báo cáo thường niên hàng năm cũng như các thông tin liên quan đến Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Đối với báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines thực hiện chế độ báo cáo phục vụ giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Việc báo cáo theo mục đích này tập trung vào các nhóm, lĩnh vực chủ yếu về tài chính kế toán, đầu tư, lao động, tiền lương và quản trị công ty…
Trong số đó có những báo cáo có nhiều thông tin được xã hội quan tâm mang tính giám sát hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước như báo cáo tình hình sản xuất - kinh doanh, báo cáo đầu tư vốn ra nước ngoài, báo cáo trích lập sử dụng các quỹ, báo cáo tình hình huy động vốn của doanh nghiệp.
Từ 1/1/2021, Vietnam Airlines sẽ trở lại là doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp 2020, đồng thời tiếp tục là công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn, niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Ông Thủy băn khoăn về việc doanh nghiệp vừa phải thực hiện các báo cáo và công bố thông tin như quy định hiện hành, vừa phải công bố thông tin theo nghị định mới, thay thế Nghị định 81/2015/NĐ-CP.
“Hiện nay, Vietnam Airlines là công ty cổ phần, phải tuân thủ các quy định trên thị trường chứng khoán, đảm bảo công bằng về quyền tiếp cận thông tin doanh nghiệp của tất cả các cổ đông, chứ không chỉ riêng cổ đông nhà nước. Do đó, việc ban hành một mẫu báo cáo chung thống nhất áp dụng cho loại hình doanh nghiệp nhà nước là công ty cổ phần như Vietnam Airlines cần được tính tới để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, đại diện Vietnam Airlines đề xuất.
Băn khoăn cũng đến từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khi Ủy viên Hội đồng quản trí, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, thời hạn quy định công bố báo cáo bán niên đã soát xét chậm nhất vào ngày 31/7 là khó khả thi.
Từ thực tiễn thực thi của Petrolimex cho thấy, để hoàn thành các báo cáo tài chính công ty mẹ, báo cáo hợp nhất cho đến báo cáo soát xét nhanh nhất cũng phải tới ngày 30/8 mới xong, chưa kể sau soát xét phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới có thể công bố trên website.
Trong 4 năm kể từ khi niêm yết, Petrolimex đều phải xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gia hạn công bố thông tin, vì Petrolimex là công ty đại chúng quy mô rất lớn với 60 công ty con, trong đó gần 50 công ty sở hữu 100% vốn, còn lại là các tổng công ty, công ty cổ phần hoạt động cấp 2, cấp 3, cấp 4, do đó việc hoàn tất báo cáo bán niên và soát xét mất nhiều thời gian.
Ông Sơn đặc biệt lưu ý thời gian thực hiện đối với các báo cáo phê duyệt kế hoạch, bởi đối với công ty niêm yết còn cần tính tới thời gian khi đại hội đồng cổ đông thường niên kết thúc thì mới chính thức có kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Chưa kể, kế hoạch này cần báo cáo và được sự phê duyệt của cơ quan chủ sở hữu nhà nước là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối như Petrolimex.
Việc thực hiện công bố thông tin đối với các công ty con thuộc dạng F2, F3 đang khiến nhiều doanh nghiệp "hai vai" lúng túng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhà nước quan ngại vấn đề bảo mật thông tin khi thực hiện trách nhiệm minh bạch. Việc thực hiện công bố thông tin như thế nào đối với các công ty con thuộc dạng F2, F3 cũng khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng.
Để khắc phục những lấn cấn này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm tốt “hai vai”, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, thời hạn thực hiện công bố thông tin nên được điều chỉnh dài hơn so với dự thảo Nghị định.
Hiện tại, Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định, thời hạn nộp báo cáo tài chính quý đối với công ty mẹ, tổng công ty nhà nước chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý.
Theo đại diện SCIC, thời hạn 45 ngày sẽ giúp các công ty mẹ thuộc tổng công ty nhà nước có đủ thời gian rà soát số liệu, thu thập báo cáo của các công ty con để lập báo cáo tài chính hợp nhất.
Nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước cũng nên cân nhắc nội dung báo cáo tình hình đầu tư và sản xuất - kinh doanh tại các công ty con do công ty mẹ nắm cổ phần chi phối, tránh trùng lặp với các quy định yêu cầu báo cáo tương tự tại các quy định hiện hành.