Do đó, đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ngày 14/11 tới được quan tâm với nhiều kỳ vọng rằng, với vị thế dẫn đầu, hãng hàng không này có tiềm năng để cất cánh bay cao hơn, xa hơn.
Chất và lượng
Hai năm trở lại đây, thị trường ngóng đợi đợt IPO của Vietnam Airlines vì nhiều lý do: thiếu hàng hóa chất lượng; vắng bóng những đợt IPO lớn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước; thiếu cổ phiếu có tiềm năng dẫn dắt thị trường.
Trong khi đó, Vietnam Airlines là hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo cân đối được tài chính, kinh doanh có lãi trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu chịu tác động nặng nề từ khủng hoảng kinh tế. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2008 - 2013, doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng trung bình 19,7%/năm, trong đó doanh thu từ ngành nghề cốt lõi là vận tải hàng không và doanh thu hoạt động phụ trợ vận tải tăng trưởng trung bình lần lượt là 19,9% và 20,1%.
Trong 5 năm qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, cùng với sự bất ổn về mặt chính trị tại nhiều khu vực, môi trường kinh doanh hàng không đã bị tác động tiêu cực. Rất nhiều hãng hàng không trong khu vực gặp khó khăn trong kinh doanh như lợi nhuận sụt giảm, kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong nhiều quý, năm. Trong nước, nhiều hãng như Mekong Air, Trãi Thiên Cargo và Indochina Airlines buộc phải ngừng bay do kinh doanh thua lỗ. Như vậy, có thể thấy cân đối được thu chi và đạt mức lợi nhuận 933 tỷ đồng là nỗ lực lớn của Vietnam Airlines.
Với nhiều nhà đầu tư, việc ra quyết định bỏ vốn phụ thuộc rất lớn vào quy mô doanh nghiệp. Tổng giá trị tài sản của Vietnam Airlines theo giá trị sổ sách là 57.156 tỷ đồng. Tài sản của Vietnam Airlines theo thống kê trải rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nước ngoài, trong đó quy mô lớn nhất là đội tàu bay. Giá trị tài sản máy bay lên tới 32.691 tỷ đồng, chiếm 57% với 83 chiếc. Đáng chú ý là đội máy bay của Vietnam Airlines có tuổi bình quân thấp 5,34 năm, thuộc loại trẻ trên thế giới (Japan Airlines là 10,2 năm; Korean Air là 10,1 năm, Thai Airway là 12,1 năm). Điều này cho phép Hãng cung cấp đến khách hàng dịch vụ chất lượng tốt hơn như cabin, nội thất tàu bay tiện nghi, ghế ngồi rộng rãi, các chương trình giải trí hấp dẫn, đa dạng…, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Vietnam Airlines trên thị trường.
Thế mạnh của một hãng hàng không chính là mạng đường bay. Với Vietnam Airlines, Hãng có mạng bay nội địa phủ khắp mọi vùng miền của đất nước, tần suất khai thác dày đặc, lịch nối chuyến thuận tiện và mạng đường bay quốc tế rộng khắp. Tính đến cuối năm 2013, mạng đường bay quốc tế của Hãng gồm 52 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, mạng đường bay nội địa gồm 39 đường bay đến 21 điểm. Bên cạnh đó, Hãng hợp tác liên danh song phương với 20 hãng hàng không để chia sẻ chặng bay, chuyến bay…
Đi liền với quy mô và vị thế ngành, thị phần của Vietnam Airlines hiện đứng số một tại Việt Nam. Năm 2013, cả nước đạt 28,95 triệu lượt khách đi lại bằng đường hàng không, Vietnam Airlines chiếm 51,8% thị phần, đạt gần 15 triệu lượt khách, cao gấp 1,7 lần so với năm 2008. Tương tự, sản lượng hàng hóa vận chuyển hóa bằng đường hàng không tại thị trường nội địa đạt khoảng 184.000 tấn, trong đó Vietnam Airlines gần như chiếm tỷ lệ tuyệt đối, với mức thị phần trung bình trong 5 năm xấp xỉ 90%. Tốc độ tăng trưởng bình quân cả vận chuyển hành khách và hàng hóa của Hãng đạt lần lượt 17% và 8%; cao hơn mức trung bình của hàng không thế giới.
Một lợi thế lớn khác mà giới phân tích quốc tế đánh giá cao là Vietnam Airlines đã xây dựng được hệ thống kinh doanh đồng bộ trong vận tải hàng không. Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất ở Việt Nam sở hữu một hệ thống các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không như Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không Việt Nam (VINAPCO), Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), các công ty giao nhận hàng hóa, các công ty chế biến suất ăn và các công ty cung cấp dịch vụ mặt đất tại các sân bay.
Những khó khăn của kinh tế thế giới gần đây đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngành hàng không và tạo cơ hội cho nhiều hãng giá rẻ. Nắm trong tay Jestar Pacific sẽ là một lợi thế của Vietnam Airlines. Bên cạnh chú trọng cho thị trường hàng không truyền thống, với dịch vụ đầy đủ, tiện nghi, Hãng có hẳn một công ty con bay giá rẻ để tạo ra các sản phẩm mới, đảm bảo năng lực cạnh tranh và làm phong phú dịch vụ. Ngoài ra, Vietnam Airlines đang tham gia liên doanh tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air và vận hành Vasco … Việc có một mô hình kinh doanh đa dạng cùng lúc điều hành, liên doanh khai thác 4 hãng hàng không có thể đem đến những thuận lợi lớn cho Hãng, nhằm tạo độ phủ trên thị trường, duy trì thị phần chi phối, từ đó tìm kiếm thêm các nguồn lợi nhuận khác.
Chủ động đón đầu
Sau khi hoàn tất IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vietnam Airlines sẽ chuyển đổi hoạt động theo mô hình cổ phần. Những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu Vietnam Airlines kỳ vọng rằng, có thêm các nhân tố mới, Hãng có thể bứt phá, tạo ra lợi nhuận cao, đem lại cổ tức hấp dẫn cho cổ đông.
Vậy bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines thời kỳ hậu cổ phần hóa sẽ như thế nào? Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, Hãng đang tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu, với đích đến là trở thành tập đoàn vận tải hàng không mạnh trong khu vực, gồm các doanh nghiệp nòng cốt trong các lĩnh vực: vận tải hàng không, công nghiệp hàng không, cung ứng dịch vụ đồng bộ… Để đạt mục tiêu này, Hãng sẽ triển khai đồng thời 4 trụ cột trong chương trình tái cơ cấu. Đó là: tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; chiến lược, kế hoạch kinh doanh và sản phẩm; tổ chức lao động; đầu tư, tài chính, quản trị doanh nghiệp.
Đồng thời với việc triển khai chương trình nâng cấp 4 sao trên toàn hệ thống, năm 2015, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 9 máy bay thân rộng công nghệ hiện đại của Airbus và Boeing (4 máy bay A350 và 5 máy bay B787) trong tổng số 33 tàu bay mà Hãng sẽ thay thế trong vòng hơn 3 năm, việc này giúp tăng hiệu quả khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút thêm nhiều khách hàng.
Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ: “Năm 2015 sẽ là năm bắt đầu thực hiện những thay đổi về chất đối với Tổng công ty, việc đưa vào khai thác đội bay thân rộng thế hệ mới cùng với chương trình nâng cấp dịch vụ đạt tiêu chuẩn 4 sao sẽ hướng tới và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách, đặc biệt là khách thương gia, công vụ, khách có thu nhập cao. Hãng cũng sẽ tăng cường phối hợp và đẩy mạnh hoạt động của Jestar Pacific theo chương trình thương hiệu kép nhằm nằm giữ thị phần hợp lý và nâng cao hiệu quả kinh doanh”.
Cùng với đó, Hãng cũng đặt ra những con số được cải thiện cụ thể trong bức tranh tài chính. Đơn cử, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) năm 2014 là 0,57% sẽ tăng dần lên 1,96% vào năm 2015 và đạt 4,81% trong hai năm tiếp theo. Tương tự, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của Hãng lần lượt là 0,52%; 1,62% và 4,54%. Có những giải pháp, nguồn lực để thực hiện kế hoạch trên một cách khả thi, điều này đồng nghĩa, cổ đông của Vietnam Airlines có thể được hưởng mức cổ tức hấp dẫn.
Hiệp hội Hàng không Thế giới dự báo, trong năm 2014, doanh thu toàn ngành sẽ tăng lên 746 tỷ USD, tương đương tăng trưởng 5%. Theo tổ chức này, Việt Nam sẽ là thị trường tăng trưởng mạnh thứ 3 trên thế giới. Sự phát triển của ngành du lịch, kèm theo sức hút về đầu tư, mở rộng thương mại, dịch vụ chính là nguồn thu quan trọng và là động lực phát triển của ngành vận tải hàng không Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng năm nay dự kiến đạt 8% so với năm ngoái ở thị trường quốc tế và 21 - 25% ở thị trường nội địa, thế mạnh dẫn đầu của Vietnam Airlines cho phép Hãng hiện thực hóa các cơ hội sinh lời trên thị trường. Do vậy, bỏ vốn vào cổ phiếu Vietnam Airlines là lựa chọn đáng để cân nhắc.