Vietjet kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay...

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đó là thông tin được bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air chia sẻ tại hội thảo "Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không" diễn ra ngày 26/11. 

Vietjet kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay...

Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, trước đại dịch, hàng năm tăng trưởng của Vietjet (VJC) đã đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Tích lũy VJC đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí tích lũy xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Để tăng cường nguồn lực tài chính cho hàng không, Vietjet đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm. Doanh thu các Hãng hàng không đã suy giảm trên 70 - 75% doanh thu và ảnh hưởng rất nhiều thanh khoản.

Mặc dù vậy, Vietjet vẫn cố gắng duy trì việc làm cho 6.000 người lao động. Với chi phí nhân sự lớn hàng tháng, Vietjet đã giảm lương từ 50 - 70% đối với quản lý cấp cao và cấp trung, đồng thời chi trả mức thu nhập tối thiểu từ 8 - 10 triệu đồng đối với người lao động khác.

Để hỗ trợ dòng tiền, Vietjet đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ (Ancillary), thẻ bay Power Pass, tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài, đồng thời Vietjet đã tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, giảm chi phí trên mỗi đơn vị giờ khai thác (block hour) từ 35 - 45% nhờ tối ưu hóa hoạt động khai thác.

Trước khó khăn trên, Phó tổng giám đốc Vietjet cho rằng, doanh nghiệp hàng không rất cần nguồn lực tài chính để tiếp tục hoạt động. Đồng thời Vietjet đưa ra mấy kiến nghị xin được hỗ trợ.

Thứ nhất, đề xuất được vay với lãi suất ưu đãi đối với Ngành hàng không. Cụ thể, Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các Ngân hàng Thương mại hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm. Như vậy, Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi kể từ 2023-2025.

Thứ hai, giảm và kéo dài thời gian ưu đãi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Với tình hình dòng tiền đang sụt giảm mạnh, Vietjet kiến nghị xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000 đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế này đến hết năm 2021.

Thứ ba, Vietjet kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Ngoài ra, để hỗ trợ cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp và người lao động, Vietjet kiến nghị việc dừng, giãn thời hạn nộp các loại Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế Giá trị gia tăng; Thuế thu nhập cá nhân; Thuế nhà thầu nước ngoài; tiền thuê đất cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết 31/12/2021 và đề xuất giãn thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu.

Bà Yến Phương nhấn mạnh theo dự báo của Cục hàng không Việt Nam thì phải đến năm 2023 ngành hàng không mới trở lại mức trước đại dịch. Sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự duy trì của ngành hàng không Việt Nam, giúp Vietjet vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục tăng trưởng để tăng thu Ngân sách và góp phần vào sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước khi thị trường hồi phục.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục