Theo báo cáo của Vietjet, Cảng hàng không Chu Lai là một cảng hàng không có nhiều tiềm năng lợi thế với quỹ đất dự trữ phát triển còn rất lớn. Cảng hàng không này nằm ở trung tâm khu vực miền Trung, giữa hai khu kinh tế lớn nhất cả nước, với nhiều công trình dự án lớn đang được nghiên cứu triền khai.
Vì vậy Vietjet muốn hợp tác và phát triển Cảng hàng không Chu Lai thành một sân bay trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, đưa Chu Lai thành cơ sở sửa chữa - bảo dưỡng - đại tu (MRO) tàu bay của Việt Nam và khu vực, trung tâm logistics của vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Tuy nhiên, hiện tại hệ thống hạ tầng sân bay còn khá khiêm tốn với một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách và nhà ga hàng hóa đang được khai thác chung với tổng diện tích sàn sử dụng là 3.360m2. Do đó Vietjet đề xuất kế hoạch đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn I (đến năm 2020) sẽ cải tạo và mở rộng đường cất hạ cánh hiện hữu với quy mô chiều dài 3.250m, chiều rộng 65m. Đồng thời xây mới một nhà ga hành khách có công suất thiết kế khoảng 2 triệu hành khách/năm, xây một nhà ga hàng hóa và khu phục vụ hàng hóa có khả năng đáp ứng nhu cầu của hai công ty vận tải hàng hóa lớn.
Giai đoạn II (đến năm 2025), dự án sẽ mở rộng, nâng công suất nhà ga hành khách lên 4 triệu hành khách/năm, mở rộng nhà ga hàng hóa và khu hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của bốn công ty vận tải hàng hóa lớn, phát triển khu Logistic Park...
Giai đoạn III (sau năm 2025), dự án tiếp tục đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh cánh thứ hai với quy mô tương đương đường cất hạ cánh thứ nhất, xây mới nhà ga hành khách thứ hai với công suất 4 triệu hành khách/năm, xây mới một tổ hợp hàng hóa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lâu dài của Cảng hàng không Chu Lai và các vùng lân cận.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật hoan nghênh đề xuất đầu tư của Vietjet, đồng thời yêu cầu hãng hàng không này tiếp tục nghiên cứu tìm mô hình đầu tư khả thi nhất, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trước khi báo cáo Bộ vào tháng 11/2016.
Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cũng ủng hộ đề xuất của Vietjet và cho biết từ nay đến cuối 2017, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một số dự án giao thông kết nối với Cảng hàng không Chu Lai.
Giữa tháng 7, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air về đầu tư hạ tầng sân bay và Cảng hàng không Chu Lai trong những năm tới. Ở một diễn biến khác, với số vốn dự kiến đầu tư 2 giai đoạn hơn 9.500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (Thien Tan Group - Quảng Ngãi) và Tập đoàn Jk & D Intrernational, Ltd (Hoa Kỳ) cũng đang tích cực tìm nguồn để cùng tham gia Dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam.