NHNN vừa chấp thuận việc Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 26.650.203.340.000 đồng lên 35.977.774.500.000 đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua tại Nghị quyết số 09/TN2016/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/4/2016.
NHNN yêu cầu Vietcombank có trách nhiệm thực hiện các thủ tục pháp lý, chế độ thông tin liên quan đến việc việc tăng vốn theo quy định của pháp luật; Sau khi hoàn tất thủ tục tăng vốn, Vietcombank có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động cho NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu Đại hội đồng cổ đông Vietcombank thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.
Cùng ngày (ngày 2/8), NHNN cũng có văn bản chấp thuận cho VietinBank tăng vốn điều lệ theo đề nghị của Vietinbank tại văn bản số 379/HĐQT-NHCT1.2 ngày 10/5/2016 và đã được Đại hội đồng cổ đông văm 2016 của Vietinbank thông qua theo Nghị quyết số 15/NQ-ĐHĐCĐ ngày 26/4/2016.
Trong số hai ngân hàng trên, VietinBank (cùng với BIDV) là trường hợp gây ồn ào thời gian qua vì bị Bộ Tài chính đòi trả cổ tức tiền mặt. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, lãnh đạo hai ngân hàng này đã đề nghị trả toàn bộ cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu và đã được cổ đông chấp thuận (với lý do tăng vốn và lý do mua bán, sáp nhập). Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Tài chính lại có văn bản đề nghị NHNN yêu cầu hai ngân hàng trên trả cổ tức bằng tiền mặt.
Theo khoản 5 điều 23 Nghị định 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: “Việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông”.
Chưa rõ tại sao Bộ Tài chính và NHNN lại chưa thống nhất ý kiến với nhau. Song trao đổi với báo chí, đại diện BIDV và VietinBank cho biết, đã xin ý kiến NHNN về nội dung này trước khi tiến hành ĐHCĐ.
Sau khi sự việc xảy ra, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này đang “xem xét đánh giá mặt thuận lợi của việc chuyển cổ tức vào ngân sách Nhà nước và khó khăn của các tổ chức tín dụng”, để đề xuất chính sách thực hiện, phù hợp với đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ thông qua và báo cáo Chính phủ về vấn đề này.
Hiện Bộ Tài chính và NHNN chưa có thông tin cuối cùng về phương án giải quyết. Tuy nhiên, việc VietinBank được chấp thuận tăng vốn cho thấy, dường như việc Bộ Tài chính đòi cổ tức tiền mặt đã đi đến hồi kết.