Xác định được tầm quan trọng như vậy của mảnh đất Tây Nguyên, nhiều năm gần đây, Đảng - Nhà nước - Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất này. Minh chứng rõ nét nhất là nhiều Hội nghị quan trọng đã diễn ra nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của vùng đất chiến lược này.
Trong đó, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 - năm 2013 tổ chức ngày 12/4 tại thành phố Pleiku, Gia Lai, nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.
Đồng thời, đây còn là diễn đàn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn các nguồn vốn cho phát triển cả vùng trong thời gian tới.
Kế thừa thành công của Hội nghị trên, năm 2015, Hội nghị xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 tại Đà Lạt được tổ chức bởi Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng.
Và ngày 11/3/2017 tới đây, thành phố Buôn Mê Thuột - tỉnh Đăk Lắk sẽ là nơi diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4.
Hội nghị có quy mô cấp vùng, dự kiến có khoảng 500 đại biểu tham dự bao gồm: các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán của các nước; các tổ chức tài chính quốc tế; các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại tại TP Hồ Chí Minh; doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các đại biểu trong nước…
Hầu hết các Hội nghị nói trên đều có sự tham gia và đồng hành của NHNN Việt Nam cũng như các “ông lớn” ngành Ngân hàng. Năm 2013, 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đã đóng vai trò là đơn vị đồng tổ chức.
Trong đó, xuyên suốt gần 55 năm xây dựng và phát triển, Vietcombank - ngân hàng hàng đầu Việt Nam đã tham gia vào sự phát triển kinh tế của các khu vực và vùng miền trên cả nước nói chung đều đã có sự ưu tiên nhất định với địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Tại đây, mạng lưới Vietcombank có sự hiện diện tại 4 tỉnh là Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng và Kon Tum. Những chi nhánh này của Vietcombank luôn nằm trong số những chi nhánh ngân hàng hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và phát triển bền vững, được chính quyền địa phương đánh giá rất cao.
Lấy trọng điểm vì sự phát triển kinh tế Tây Nguyên vững mạnh, năm 2015, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3, Vietcombank đã ký kết 2 hợp đồng tín dụng đầu tư phát triển dưới sự chứng kiến của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, cùng lãnh đạo nhiều bộ, Ngành, Tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cụ thể, Vietcombank Gia Lai đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 150 tỷ đồng với Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai; Vietcombank Kon Tum ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 60 tỷ đồng với Điện lực Kon Tum cho chương trình truyền tải và phân phối điện.
Mới đây nhất, ngày 18/12/2016, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 với chủ đề: “Gia Lai - Tiềm năng - Hợp tác -Phát triển”, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú và đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Vietcombank Gia Lai tiếp tục ký kết tài trợ một số dự án đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng với công ty CP Điện Gia Lai (GEC).Dự kiến tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, năm 2017 này, Vietcombank sẽ dành gần 450 tỷ đồng cho 5 dự án phát triển.
Bao gồm, Dự án đầu tư nhà máy thuỷ điện Đa Dâng 3 công suất 12MW với chủ đầu tư là CTCP Thuỷ điện Đa Dâng 3; Dự án đầu tư nhà máy thuỷ điện Đạ Tông - Đam Rông công suất 5MW của CTCP Năng lượng Lâm Đồng; Dự án đầu tư nâng cấp công suất nhà máy đường 333 (từ 2.500 tấn/ngày lên 3.500 tấn/ngày) do Công ty CP Mía đường 333 làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng khách sạn Lê Thành Đà Lạt của Cty TNHH nhà hàng khách sạn Lê Thành; Dự án xây dựng Trung tâm Phân phối, Nhân giống cây trồng công nghệ cao với chủ đầu tư là công ty TNHH Fukunana Tây Nguyên.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành (bên phải) trao biển tượng trưng tặng 1.000 con bò giống cho đồng bào khu vực Tây Nguyên
Tính đến nay, đầu tư tín dụng của Vietcombank tại các tỉnh Tây Nguyên lên tới gần 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% thị phần dư nợ tín dụng tại khu vực Tây Nguyên.
Bên cạnh hoạt động đầu tư tín dụng, Vietcombank còn dành nhiều đóng góp vào lĩnh vực an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như: Đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội tập trung vào các lĩnh vực mang lại giá trị thiết thực như xây dựng trường học, hỗ trợ thiết bị giáo dục, y tế... Qua đó, giúp đồng bào khu vực Tây Nguyên và lân cận mà đặc biệt là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện nhu cầu vật chất, tinh thần, góp phần nâng cao đời sống văn hoá xã hội và phát triển chung của vùng.
Năm 2016, Vietcombank đã tặng 1.000 con bò giống với tính thiết thực rất cao, hiệu quả, đã giúp hàng ngàn hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững... Tổng mức giải ngân đã cam kết thực hiện cho các chương trình an sinh xã hội lên đến trên 128 tỷ đồng.