Vietcombank nâng mức “dự phòng bao nợ xấu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khái niệm “dự phòng bao nợ xấu” lần đầu tiên nhóm phóng viên ngân hàng được tiếp cận từ người đứng đầu Vietcombank khi chia sẻ về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng năm 2018.
Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank thấp nhất trong các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank thấp nhất trong các tổ chức tín dụng.

Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng và tăng đệm dự phòng cho nợ xấu

Còn nhớ, 2 năm trước, khi thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong năm 2018, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT có chia sẻ: “Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank hiện chỉ chiếm 0,97% trên tổng dư nợ, với mức nợ xấu nội bảng chưa đến 6.200 tỷ đồng. Dư quỹ dự phòng rủi ro đạt gần 10.500 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng là 170%”.

Trong hai năm sau đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank tiếp tục tăng, đến cuối năm 2019 là 183% và vào thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ này đã được nâng lên mức kỷ lục là 380% - cao nhất trong lịch sử hoạt động của Ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính, tỷ lệ bao phủ nợ xấu là “số dư quỹ dự phòng cho các khoản nợ xấu/tổng dư nợ xấu” được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu.

Sau khi Vietcombank liên tục công bố số liệu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, thông tin này cũng dần dần được nhiều ngân hàng khác đề cập như BIDV, Techcombank, TPBank, MB…

Luôn chú trọng tới quản trị rủi ro ngay cả trong giai đoạn kinh tế phát triển mạnh mẽ là chiến lược đúng đắn giúp Vietcombank kiểm soát thành công chất lượng tín dụng trong thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa qua. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu liên tục giảm từ 1,50% năm 2016 xuống 1,11% năm 2017; 0,97% năm 2018; 0,77% năm 2019 và chỉ còn 0,61% năm 2020.

“Kiểm soát chất lượng tín dụng được thực hiện tốt trong bối cảnh thị trường khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank giảm còn 0,61% trên tổng dư nợ, đây cũng là mức thấp nhất trong các tổ chức tín dụng và thấp nhất trong lịch sử Vietcombank”, thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank năm 2020 được lãnh đạo Ngân hàng chia sẻ.

Cần lưu ý thêm là từ năm 2016, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống hoàn tất việc trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, trong khi đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng vẫn đang vật lộn với gánh nặng này.

Với nền tảng vững chắc, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam chạm mốc lợi nhuận tỷ USD năm 2019 là 23.123 tỷ đồng và giữ ở mức tương đương trong năm 2020.

“Năm 2020, hình ảnh và uy tín của Vietcombank không chỉ được khẳng định trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Vietcombank đồng thời cũng là doanh nghiệp niêm yết duy nhất của Việt Nam có tên trong Top 1.000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Lần đầu tiên, giá cổ phiếu VCB vượt lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu và trở thành doanh nghiệp có mức vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam”, lãnh đạo Vietcombank chia sẻ.

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, liên tiếp nhiều năm liền, Vietcombank là ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết nộp ngân sách nhà nước lớn nhất, với quy mô nộp ngân sách xấp xỉ 9.000 tỷ đồng mỗi năm.

An toàn, hiệu quả, bền vững, trách nhiệm

Đầu năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu đạt hơn 26.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, với tăng trưởng tín dụng trên 14%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên Ngân hàng phải điều chỉnh các mục tiêu này nhằm hỗ trợ cho khách hàng.

Tính cả năm 2020, Vietcombank đã có 5 đợt giảm lãi suất cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và lũ lụt. Tổng số tiền lãi mà Vietcombank hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp, khách hàng qua 5 đợt giảm lãi suất đã làm giảm 3.700 tỷ đồng lợi nhuận của ngân hàng này.

“Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu đi thì Vietcombank cũng phải “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, an toàn phải đi cùng với hiệu quả, bền vững, trách nhiệm. Đặc biệt, phải đổi mới, sáng tạo tăng sức cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt”, người đứng đầu Vietcombank cho biết.

An toàn phải đi cùng với hiệu quả, bền vững, trách nhiệm. Đặc biệt, phải đổi mới để tăng sức cạnh tranh, tạo sự khác biệt.

Được biết, từ năm 2018, từ thành công và hiệu ứng lan tỏa của cuộc thi sáng kiến “Đổi mới - Sáng tạo để phát triển và hội nhập” đã có hơn 1.000 sáng kiến đăng ký từ cấp cơ sở, trong đó có 266 sáng kiến được lựa chọn tham gia cấp hệ thống. Năm 2019, Vietcombank có gần 400 đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó số nhiệm vụ dưới hình thức đề tài nghiên cứu cấp Vietcombank tăng 26,7% so với năm 2018.

Năm 2020, bên cạnh 4 đề tài khoa học cấp ngành được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đưa vào danh mục thực hiện, hàng trăm đề tài khoa học cấp Vietcombank và sáng kiến đã được triển khai.

Đặc biệt, tháng 7/2020, đề tài cấp ngành của Vietcombank “Định hướng và các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam” do Tiến sỹ Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Vietcombank làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Những đổi mới và kết quả trong công tác nghiên cứu khoa học tại Vietcombank thời gian qua đã góp phần vào kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng và sự đổi mới mạnh mẽ về quản trị, điều hành của Ngân hàng trong hành trình chinh phục mục tiêu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực và Top 300 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới.

Nhìn lại hành trình đã qua, có thể thấy trong giai đoạn khó khăn nhất, hệ thống Vietcombank cơ bản vẫn hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch, năng lực tài chính tiếp tục được tăng cường, bền vững hơn. Đó là cách Vietcombank khẳng định vị trí ngân hàng số 1, đồng thời là nền tảng để Vietcombank phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững và vươn tầm thế giới trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác lập trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục