Tỷ lệ nợ xấu năm 2020 của Vietcombank thấp nhất trong các tổ chức tín dụng nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2021, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank đã chia sẻ kết quả kinh doanh của Ngân hàng năm 2020.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại Hội nghị Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể, tổng dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất trong năm 2020 đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Dư nợ được cơ cấu tại thời điểm 31/12/2020 là 5.156 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 4.438 tỷ đồng và nợ lãi 718 tỷ đồng.

Đối với hoạt động huy động vốn, huy động vốn trên thị trường I đạt 1.053.451 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2019, đạt 105% kế hoạch năm 2020. Chủ động cơ cấu lại danh mục huy động vốn từ thị trường II theo hướng hiệu quả. Tổng huy động vốn đạt 1.089.840 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 2019.

Tỷ trọng huy động vốn có kỳ hạn bình quân VND giá rẻ ở mức 40,4%, tăng gần 16 điểm phần trăm so với 2019, vượt xa kế hoạch năm 2020. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn cuối kỳ đạt khoảng 32%, tăng mạnh so với năm 2019; tỷ trọng không kỳ hạn bình quân duy trì ở mức cao xấp xỉ 29%.

Dư nợ tín dụng đạt 838.220 tỷ đồng, tăng 13,95% so với 2019, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm 2020. Tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao, đạt mức 20,4%. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ chiếm 53,5% tổng dư nợ tín dụng (tăng 2,9 điểm phần trăm so với 2019).

“Tín dụng cho vay tại phòng giao dịch tăng 25,3% so với cuối năm 2019, chiếm tỷ trọng 45,1% tổng dư nợ bán lẻ, tăng 1,8 điểm phần trăm so với 2019. Tính đến 31/12/2020, cả hệ thống có 92 phòng giao dịch đạt dư nợ cho vay trên 600 tỷ đồng, tăng 38 phòng giao dịch so với năm 2019. Dư nợ cho vay FDI tăng 16,7% so với cuối năm 2019. Tỷ trọng tín dụng FDI trong tổng tín dụng bán buôn tăng 1,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2019, đạt mức 13,2%”, ông Dũng cho biết.

Một trong những điểm đáng chú ý của Vietcombank trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn năm 2020 được ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhấn mạnh: “Kiểm soát nợ có vấn đề ở mức thấp nhất trong các tổ chức tín dụng nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,61%”.

Dư quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng là 19.344 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng khoảng 377%.

Đối với hoạt động mở rộng cơ sở khách hàng, thúc đẩy hoạt động kinh doanh dịch vụ, ông Dũng cho biết, phát triển khách hàng bán buôn tín dụng/huy động vốn mới tăng 52,1%/28,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 133%/118% kế hoạch năm 2020. Phát triển khách hàng E-banking mới và khách hàng cá nhân mới tăng lần lượt là 21,8% và 3,1% so với năm 2019.

Doanh số mua bán ngoại tệ (không bao gồm giao dịch liên ngân hàng) đạt 53,6 tỷ USD, hoàn thành 102,5% kế hoạch năm 2020. Doanh số FYP (phí bảo hiểm thực thu trong năm đầu tiên) bảo hiểm nhân thọ theo hợp đồng với FWD (triển khai từ 13/4/2020) đạt 371 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch năm 2020. Tổng FYP bảo hiểm nhân thọ năm 2020 đạt 417 tỷ đồng tăng 94% so với năm 2019, hoàn thành 105% kế hoạch 2020.

Doanh số thanh toán và sử dụng thẻ hoàn thành lần lượt là 100% và 98% kế hoạch năm 2020.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Lần đầu tiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank đạt mức cao nhất hệ thống và hiệu quả kinh doanh vượt trội trong các tổ chức tín dụng”.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 23.068 tỷ đồng tương đương quy mô như năm 2019”.

Thu nhập thuần từ hoạt động phi tín dụng chiếm 49,8% thu nhập từ hoạt động kinh doanh, tăng 10,7 điểm % so với năm 2019, trong đó: thu thuần từ hoạt động kinh doanh vốn và đầu tư chiếm 21,1% thu nhập hoạt động kinh doanh.

Thu thuần dịch vụ và thu khác chiếm 28,6% thu nhập hoạt động kinh doanh và tăng 6,0 điểm phần trăm so với năm 2019. Trong đó, thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng 16% so với năm trước và đóng góp 37,8% trong thu dịch vụ. Thu nhập từ dịch vụ Bancas đạt 1.873 tỷ đồng đóng góp 18,1% trong thu dịch vụ.

Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.418 tỷ đồng - nếu tính cả những khoản sẽ thu đầu năm 2021, số thu nợ ngoại bảng đạt 3.425 tỷ đồng.

Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,42% và 20,48%.

Về định hướng kinh doanh năm 2021, thông tin tại Hội nghị cho biết, phương châm hành động của Vietcombank là “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững”, trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, đảm bảo tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao và nâng cao năng suất lao động và quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo”. Tiếp tục tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh doanh.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng có những đề xuất liên quan đến kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước; cần có lộ trình 1-2 ngân hàng thương mại Việt Nam có tầm cỡ trung khu vực. Ngoài ra, Chính phủ sớm có kế hoạch kích cầu trong nước để nâng cao sức tiêu thụ nội địa và thể chế hoá các cơ chế đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục