Với tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, quý I/2021, nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại mức tăng trưởng khá, điều này gợi ý gì cho hoạt động của các doanh nghiệp và các ngân hàng thời gian tới, thưa ông?
Trước hết, chúng ta quan sát tín hiệu tích cực từ bên ngoài. Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc trước kỳ vọng về hiệu quả của việc tăng cường triển khai các hoạt động về vắc-xin, cũng như các chính sách hỗ trợ kinh tế của các quốc gia. Giao thương hàng hoá đang gia tăng nhanh chóng cho thấy sự mở rộng sản xuất kinh tế thế giới với sự dẫn đầu của các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc…
Gần đây nhất, các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021.
Cụ thể, WB thận trọng hơn khi dự báo tốc độ tăng trưởng khoảng 4%, trong khi IMF đưa ra con số 5,5%. Đây là mức tăng trưởng nhiều năm chưa có và nếu đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới năm trước đó giảm 4,3%, song chỉ sau một năm, mức tăng trưởng có thể tăng vọt tới 5,5% cho thấy, kinh tế đang phục hồi hình chữ V.
Đối với Việt Nam, tiếp đà tăng trưởng kinh tế tích cực của quý IV/2020, sang năm 2021, mặc dù đầu năm nước ta tái bùng phát dịch Covid-19, song với việc Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu kép đã giúp GDP tăng trưởng khá trong quý I/2021 với mức 4,48%. Như vậy, so với mức 3,68% của cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế đã tăng trưởng rất tích cực trong năm nay.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng khá vào cuối quý I/2021; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 42% trong quý I và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Minh chứng rõ nét là mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng quý I/2021 ghi nhận mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020, với tỷ lệ tăng trên 2,3% (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,67%). Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng toàn ngành, với kịch bản 1 và 2 là từ 10 - 13%, thì với tốc độ tăng đầu năm như vậy, tín dụng cả năm tăng trưởng theo kịch bản 1 từ 12 - 13% là khả thi cao.
Tín dụng thông thường tăng cao vào những tháng cuối năm, còn quý I gần như không tăng trưởng, nhưng năm nay tăng 2,3% là chỉ báo cho thấy sự phục hồi kinh tế tích cực. Hơn nữa, một số ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 với lợi nhuận cao. Có thể thấy, ngành ngân hàng năm 2021 có triển vọng sáng.
Tín dụng vẫn là kênh cung ứng vốn quan trọng cho tăng trưởng của kinh tế, nhưng dường như chỉ tiêu “tạm giao” đầu năm cho các ngân hàng khá thấp so với khả năng đáp ứng của các ngân hàng. Tại Vietcombank, chỉ tiêu tín dụng được giao dự kiến sẽ thực hiện như thế nào?
Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) là 10,5% năm 2021, nếu xét về quy mô tuyệt đối thì năm nay Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có quy mô tín dụng tăng trưởng cao nhất toàn ngành.
Tất nhiên, có ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng 11 - 12%, nhưng quy mô tín dụng của những ngân hàng đó nhỏ hơn nhiều, nên mức tăng trưởng sẽ không thể bằng Vietcombank.
Để có được room tín dụng cao này không phải là chuyện đương nhiên, mà đó là cơ quan quản lý xem xét, đánh giá rất tổng thể. Đặc biệt, khả năng đáp ứng các hệ số an toàn, thanh khoản cao, quản trị chất lượng tín dụng tốt, tập trung dư nợ vào các lĩnh vực hiệu quả.
Ngay như trong năm 2020, một năm đầy khó khăn trong việc cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh, đầu năm Vietcombank được giao room tín dụng 10%, cao hơn các ngân hàng có cùng quy mô khoảng 1 - 1,5%.
|
Nhà đầu tư định giá cao cổ phiếu Vietcombank là căn cứ vào khả năng sinh lời dài hạn của Ngân hàng. |
Đến quý III/2020, dư nợ của Vietcombank đã tăng trưởng gần bằng room cả năm, dư nợ tập trung vào các lĩnh vực sản suất - kinh doanh và cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, cùng với thanh khoản hay hệ số sử dụng vốn của Vietcombank ở mức rất an toàn (huy động vốn được 100 đồng thì chỉ dùng hơn 70 đồng để cho vay).
Do đó, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nâng room tăng trưởng tín dụng của Vietcombank lên tới 14% và kết quả là Vietcombank đã tăng trưởng được như chỉ tiêu được điều chỉnh, trở thành ngân hàng có quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất năm 2020.
Dự kiến của chúng tôi, trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh sớm tăng room tín dụng như năm 2020, Vietcombank chắc chắn sẽ đạt được và tiếp tục là ngân hàng có quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất năm 2021.
Nhưng để đẩy được tín dụng mà vẫn phải bảo đảm chất lượng tài sản, Vietcombank đã triển khai thế nào trong điều kiện năm nay?
Vietcombank có hệ thống kiểm soát bước đệm nên kiểm soát chất lượng tín dụng rất chặt chẽ. Theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, nợ được phân loại theo 5 nhóm. Vietcombank ngoài việc phân loại nợ theo 5 nhóm, còn có thêm bảng phân loại nhóm nợ nội bộ song song theo 4 loại để định hướng tín dụng, đó là các nhóm A, B, C, D.
Nhóm A là nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh, có khả năng tăng trưởng. Nhóm B là nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính trung bình và duy trì quy mô như vậy. Nhóm C là nhóm khách hàng có năng lực tài chính dưới chuẩn cần rút giảm và nhóm D là nhóm có tình hình tài chính yếu cần chấm dứt tín dụng.
Khi mới đầu phân loại như vậy, chúng tôi bất ngờ ở chỗ, ban đầu nhóm A tập hợp lại cũng chỉ đạt hơn 40%. Nếu nhóm A dưới 40% nói lên rằng, khi kinh tế có dấu hiệu không thuận lợi, các doanh nghiệp nhóm A có thể rơi xuống nhóm B. Hơn nữa, Ngân hàng muốn mở rộng tín dụng rất khó, vì chỉ có hơn 40% khách hàng là có khả năng mở rộng. Theo cách quản lý của riêng Vietcombank, sau hơn 1 năm, tỷ lệ nhóm A từ 40% đến nay đã lên trên 65%.
Như vậy, nhìn vào tiềm lực khách hàng, 65% khách hàng có tiềm năng mở rộng tín dụng, điều đó đã hỗ trợ cho Vietcombank trong 6 tháng cuối năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021 mở rộng được tín dụng. Chúng tôi cho đây là một cách tiếp cận mới về quản trị tín dụng, có lẽ là của riêng Vietcombank. Đây là bước đệm phòng vệ từ xa trong việc quản lý mà chúng tôi khá tâm đắc.
Thông thường, các quý đầu năm, tỷ lệ nợ xấu thường tăng vì có nợ xấu phát sinh, nhưng Vietcombank quan điểm 6 tháng đầu năm cơ bản không sử dụng dự phòng để các chi nhánh có áp lực tập trung thu hồi nợ xấu. Sử dụng dự phòng vẫn có áp lực thu, nhưng rõ ràng nhìn vào nội bảng không thấy ngay nợ xấu.
Cùng với việc thực hiện nghiêm túc Thông tư 02, tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, nhưng nợ xấu đến hết quý I/2021 của Vietcombank vẫn ở mức thấp 0,7%, thấp nhất trong các ngân hàng.
Nếu nhìn lại cả một giai đoạn thì có thể thấy rằng, Vietcombank khác xưa khá lớn. Trước đây, Vietcombank được coi là ngân hàng bán buôn, cho vay tổ chức thay vì cho vay cá nhân, giờ lại là ngân hàng số một về khách hàng bán lẻ. Điều gì tạo ra sự thay đổi đó?
Thực ra không phải đến bây giờ, cách đây 5 năm, tôi đã thuyết phục Hội đồng quản trị và cổ đông thông qua chiến lược Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ.
Thực ra, không phải đến bây giờ, cách đây 5 năm, tôi đã thuyết phục Hội đồng quản trị và cổ đông thông qua chiến lược Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ. Cùng với đó, gần đây, Hội đồng quản trị đã thông qua 4 đột phá chiến lược.
Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Hai là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách (cơ chế quản trị nội bộ và cơ chế, chính sách với khách hàng).
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng năng lực thích ứng với ngân hàng số.
Bốn là, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, triển khai ngân hàng số.
Đồng thời, thực hiện 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Thứ nhất, giảm dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (hạ cánh mềm), gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả, bền vững: tăng tỷ trọng dư nợ bán lẻ cao hơn bán buôn; tăng tỷ lệ tài sản bảo đảm trong tổng dư nợ.
Thứ hai, gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn.
Thứ ba, cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững.
Tính đến thời điểm hiện tại, 3 trụ cột trọng tâm của Vietcombank đã chuyển dịch theo chiều hướng rất tích cực, đúng định hướng.
Trụ cột đầu tiên đó là tiền gửi giá rẻ, bao gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi lãi suất thấp, mặt bằng hiện nay lãi suất dưới 2%/năm là tiền gửi giá rẻ. Tỷ trọng ở Vietcombank hiện tại đã tăng hơn so với trước và là ngân hàng có số dư tiền gửi giá rẻ cao nhất hệ thống, tỷ lệ này đang tiếp tục tăng.
Trụ cột thứ hai là bán lẻ, năm 2013 đề cập đến chiến lược số 1 về bán lẻ. Thời điểm đó, điều này rất lạ lẫm vì nói đến Vietcombank là phải nói đến bán buôn, danh mục bán buôn tới 80%. Để Ban lãnh đạo Ngân hàng đồng thuận và cổ đông chấp nhận, tôi đã kiên trì thuyết phục, đưa ra cơ sở, luận cứ.
Nói thì rất dài, nhưng có thể đưa ra một ví dụ đơn giản là các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam là nhắm đến 100 triệu dân Việt Nam, chứ không phải để cho các doanh nghiệp Việt Nam vay. Đây mới là điểm tiềm năng hấp dẫn các ngân hàng nước ngoài, trong khi Vietcombank đang làm điều ngược lại.
Kiên định với chiến lược đó, chúng tôi thiết lập một loạt giải pháp, hệ thống KPI, phân loại thế nào là chi nhánh bán buôn, thế nào là chi nhánh bán lẻ, địa bàn nào bán buôn, địa bàn nào bán lẻ và KPI cho các chi nhánh là khác nhau.
Thậm chí, có chỉ tiêu cứng về tăng trưởng bán buôn không được vượt qua, để dành dư địa cho tăng trưởng bán lẻ. Chẳng hạn, cách đây 2 năm, bán lẻ tăng 35%/năm, bán buôn chỉ được 8%.
Chúng tôi sử dụng “chốt chặn” để thực thi chiến lược, thậm chí nếu bán lẻ tăng trưởng đến 35% mà bán buôn mới được 2% thì bán lẻ vẫn được “chạy” tiếp. Nhờ thực hiện một cách quyết liệt, đến ngày hôm nay, tỷ trọng dư nợ bán lẻ của Ngân hàng lên đến 54%.
Trụ cột thứ ba là thu dịch vụ. Hiện nay, thu nhập phi tín dụng đã chiếm tới 35%, trong đó, thu dịch vụ đầu năm là trên 25%, hiện tại là 26%.
Trong góc nhìn của nhà đầu tư và cổ đông thì còn một câu chuyện đang rất quan tâm, đó là giá cổ phiếu Vietcombank (VCB) hiện ở mức rất cao, gấp 2 - 3 lần ngân hàng khác có cùng quy mô dù không được hỗ trợ bởi yếu tố tăng trưởng lợi nhuận 2020?
Đây chính là câu chuyện đến từ nội hàm của Vietcombank. Đương nhiên, những trọng tâm và tăng trưởng quy mô cao như thế, chuyển dịch đúng định hướng thì hiệu quả sẽ tốt. Vậy vấn đề đặt ra, con số lợi nhuận là bao nhiêu?
Đối với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, quả thực rất khó nói.
|
Hiện nay, thu nhập phi tín dụng của Vietcombank đã chiếm tới 35%. |
Năm 2020, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngành ngân hàng, trong đó 4 ngân hàng quy mô lớn nhất là phải chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận không còn là ưu tiên, mà quan trọng hơn là thực chất hỗ trợ nền kinh tế thông qua chia sẻ giảm lãi suất tiền vay. Chính vì thế, Vietcombank năm 2020 có tới 5 đợt điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, mà giảm ở đây rất thực chất là giảm vào lãi với số tiền hơn 4.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietcombank áp dụng chính sách trích lập dự phòng rủi ro thận trọng, chặt chẽ. Năm 2020, Vietcombank cũng lập kỷ lục của ngành ngân hàng Việt Nam đó là dự phòng có số tuyệt đối cao hơn nợ xấu tới 380%.
Đánh giá về ngân hàng không chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn, mà nhiều chỉ tiêu khác như ROA, ROE, chất lượng tài sản, dự phòng nợ xấu…
Tất cả các chỉ tiêu này, Vietcombank đạt mức tốt nếu so sánh với các ngân hàng khu vực và đứng hàng đầu nếu so với các ngân hàng Việt Nam. Nhà đầu tư định giá cao cổ phiếu Vietcombank là căn cứ vào khả năng sinh lời dài hạn của Ngân hàng.
Khả năng này đang thể hiện rõ ngay trong quý I/2021. Vietcombank đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 12% năm nay, lên khoảng 25.200 tỷ đồng. Về số tuyệt đối thì đây là mức tăng lớn khi so với 2 năm trước (2019 và 2020) đạt 23.000 tỷ đồng. Sau quý I/2021, ngay khi kinh tế khởi sắc trở lại, Vietcombank đã đạt 28% kế hoạch, đây là con số rất ý nghĩa, bởi quý I thường có lợi nhuận thấp hơn mức bình quân quý.
Bên cạnh đó, Vietcombank có những khoản thu nhập khác cũng rất lớn như nguồn phí thu được từ bán bảo hiểm (hợp tác độc quyền với FWD), đặc biệt nếu Vietcombank thoái vốn tại 2 tổ chức tín dụng khác là MBBank và Eximbank thì lợi nhuận đem thêm về con số hàng nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, kế hoạch cả năm 2021 đề ra là khả thi, tăng trưởng và chất lượng tín dụng lạc quan, hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh…, giúp Vietcombank tự tin đạt lợi nhuận kế hoạch “trong tầm tay”.