Tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Mỹ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Cung cấp thông tin chứng minh sự thăng hoa của thương mại 2 nước, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết tại Diễn đàn Thương mại Việt - Mỹ năm 2021, sáng 7/12, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.
Bà Barbara Weisel, Giám đốc Điều hành Công ty Rock Creek Global Advisors, nguyên Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ nhận định, xu thế tăng trưởng thương mại hàng hóa, dịch vụ giữa 2 nước rất rõ rệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều ghi nhận là 2 bên đang nỗ lực để cân bằng hơn những điểm khác biệt, tiến tới giải quyết những vấn đề tồn đọng, hướng đến cán cân thương mại hài hòa hơn trong tương lai.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020 kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ đạt 90,8 tỷ USD, tăng 19,9% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 77,1 tỷ USD, tăng 19,5%, nhập khẩu từ Mỹ đạt gần 13,7 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2019.
11 tháng 2021, thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ đã đạt 99,10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 84,77 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 14.24 tỷ USD, tăng 14,6%.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng vụ châu Mỹ - châu Âu (Bộ Công Thương) đánh giá, thương mại Việt - Mỹ đang có nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng thực tế là hàng Việt xuất khẩu đang đối diện ngày càng nhiều với các vụ phòng vệ thương mại tại thị trường này.
Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, tần suất Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Đến nay, Mỹ đã khởi xướng điều tra 41 vụ việc với hàng hóa Việt Nam, bao gồm 31 vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và 10 vụ việc chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Mỹ cũng là quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ lớn nhất với hàng hóa Việt Nam, chiếm 20% trong tổng số các vụ việc.
Các vụ việc Mỹ điều tra rất đa dạng, từ dệt may, xơ sợi, sắt thép, nông lâm thủy sản (tôm, cá ba sa), gỗ, lốp xe, đệm mút. Các biện pháp phòng vệ thương mại này đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Gần nhất, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ với mức thuế rất cao trong vụ việc kiện chống bán phá giá đối với mật ong từ một số nước trong đó có Việt Nam. Theo đó, mức thuế chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%, cao hơn gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề xuất ban đầu là 207%.
Theo ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam, phán quyết sơ bộ này của Mỹ gây bất lợi cho ngành sản xuất và xuất khẩu mật ong Việt Nam, mức thuế này coi như "hủy diệt", vì không doanh nghiệp nào có thể tồn tại được nếu xuất khẩu mang về 1 đồng nhưng mất 4 đồng đóng thuế. Với mức thuế này các doanh nghiệp chỉ có nước đóng cửa.
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, trong trạng thái “bình thường mới” và trong “bối cảnh mới”, Việt Nam và Mỹ cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, cũng như tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại gây bởi đại dịch.