Xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) sang Trung Quốc đã tăng 2,2% và nhập khẩu tăng 5,6% trong năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 8,2% và nhập khẩu giảm 13,2%.
Số liệu mới nhất do Eurostat công bố hôm thứ Hai (15/2) cho thấy, Trung Quốc hiện có vai trò lớn hơn nữa trong cách các nền kinh tế châu Âu hoạt động.
Carsten Brzeski, nhà kinh tế tại ING Germany nói với CNBC hôm thứ Ba (16/2) rằng: “Lý do đằng sau điều đó rõ ràng là thực tế rằng Trung Quốc hay châu Á là khu vực duy nhất trải qua sự phục hồi tốt đẹp hình chữ V”.
Đại dịch Covid-19 đã tác động kinh tế không cân xứng trên toàn thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc đã không phải trải qua các biện pháp phong toả xã hội nghiêm trọng lần thứ hai như nhiều quốc gia châu Âu.
Do đó, nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động gần với mức trước Covid so với các khu vực khác trên thế giới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trên toàn cầu vào năm 2021.
“Nhìn về phía trước, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với thương mại châu Âu cũng là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra lựa chọn giữa giao thương với Trung Quốc và giúp Mỹ trên mặt trận công nghệ”, nhà kinh tế Carsten Brzeski cho biết.
Mỹ và EU đã xung đột với Bắc Kinh về 5G và vấn đề chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Washington và Brussels cũng có những quan ngại về nhân quyền ở Trung Quốc.
“Rủi ro là việc thỏa hiệp và cân bằng giữa hai yếu tố này sẽ cản trở sự tăng trưởng trong tương lai”, Brzeski nói.
Tuy nhiên, EU dường như đang sẵn sàng tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Hai bên đã đạt được một thỏa thuận đầu tư mới vào tháng 12 vừa qua nhằm mục đích giúp các công ty châu Âu hoạt động tại Bắc Kinh dễ dàng hơn.
Vào thời điểm thông báo thoả thuận, Giám đốc thương mại của Châu Âu, Valdis Dombrovskis cho biết: “Cuộc khủng hoảng hiện tại không cho chúng tôi lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với các đối tác toàn cầu của chúng tôi, bao gồm cả Trung Quốc”.
“Bằng cách hợp tác với nhau, chúng ta có thể phục hồi kinh tế nhanh hơn và đạt được tiến bộ trên các lĩnh vực cùng quan tâm như quan hệ thương mại và đầu tư”, ông cho biết.
Mặc dù vậy thỏa thuận vẫn chưa được các nhà lập pháp châu Âu thông qua vì một số các nhà lập pháp đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc và rất miễn cưỡng để ký vào thoả thuận.