Việt Nam vững vàng phục hồi giữa thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam nhận định, năm 2022 của Việt Nam đã khởi đầu bằng những bước đi vững chắc tuy nhiên vẫn còn đó những rủi ro cần lưu tâm.
Việt Nam vững vàng phục hồi giữa thách thức

Cẩn trọng với các rủi ro

Theo ông Khoa, giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam, trong đó, tác động rõ rệt nhất chính là chi phí năng lượng tăng lên. Mặc dù xuất khẩu vững mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp lại dẫn đến mức thặng dư khiêm tốn, chỉ 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, bào mòn lợi thế của tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên đồng VND.

"Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp mặc dù mức độ thâm hụt sẽ ít hơn so với năm 2021", ông Khoa dự báo.

Bên cạnh đó, ông Khoa cho rằng, Việt Nam cần hết sức lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ, mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.

Ông Khoa nhấn mạnh: "Đây chính là những yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay".

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 giúp đảm bảo an sinh xã hội, ông Khoa cho biết, lạm phát gia tăng sẽ khiến việc phục hồi cuộc sống diễn ra không đồng đều. Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khiến tình hình bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Tài chính Ngân hàng: Chủ động thích ứng với hoàn cảnh

Trong bối cảnh đại dịch lắng xuống, ngành Tài chính Ngân hàng cũng hoạt động tích cực để phục vụ nhu cầu hồi phục của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 9,35% tính đến thời điểm 30/6, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước (6,47%). So với mục tiêu 14% của NHNN, hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống vẫn còn.

Tuy vậy, ông Khoa cho rằng, NHNN vẫn cần theo dõi sát sao thị trường và có thể điều chỉnh trong nửa cuối năm 2022 với định hướng điều hành theo hướng ổn định, linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế, mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp đủ vốn cho kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn phải kiểm soát hiệu quả lạm phát.

Điểm đáng chú ý, ông Khoa cho rằng, liên quan đến vấn đề huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,09%). Lãi suất huy động đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây thu hút tiền gửi vào ngân hàng tăng trở lại so với 2 năm ảm đạm vừa qua, nhưng tăng trưởng chưa bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng.

"Câu chuyện chuyển đổi số vẫn diễn ra mạnh mẽ trong ngành Tài chính Ngân hàng tiếp nối sự bùng nổ của thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến trong 2 năm vừa qua do đại dịch. Đối với các tổ chức tín dụng, chuyển đổi số giờ đây không còn là một lựa chọn mà đã trở thành vấn đề sống còn. Những xu thế như định danh khách hàng trực tuyến eKYC, thanh toán/rút tiền bằng QR code, thẻ chíp contactless… đã trở thành một phần tất yếu trong hệ sinh thái thanh toán", ông Khoa nhận định.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách và quy định. Các cơ quan chức năng đã phối hợp để nâng cấp hệ thống, mở rộng dịch vụ, tính năng của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng đảm bảo kết nối thông suốt, ổn định đáp ứng nhu cầu thanh toán cho người dân và doanh nghiệp. Thành tựu đạt được rất đáng khích lệ. Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, ông Khoa cho biết, trong 6 tháng đầu năm có nhiều biến động sau một loạt các vụ bắt giữ đối với một số doanh nghiệp lớn, cũng gây ra tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.

Tính đến giữa tháng 6/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, xét về tăng trưởng và lợi nhuận, Việt Nam vẫn đang trên đà thắng lợi, thanh khoản cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Việt Nam cũng đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế nhằm khai phá tiềm năng gia nhập chỉ số các thị trường mới nổi.

"FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM, dự kiến vào tháng 9/2022. Việt Nam vẫn chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét, tuy nhiên nếu thực hiện các cải cách được yêu cầu thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới)", ông Khoa cho biết.

Ngoại hối: Ổn định “giữa dòng đời vạn biến”

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp tăng lãi suất điều hành ba lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 với mức tăng lãi suất ngày 15/6 (0,75 điểm %) cao nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Đồng USD quốc tế tăng giá mạnh khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh.

Ông Khoa nhận định: "Những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ".

Theo phân tích của HSBC, trước bối cảnh đó, tỷ giá USD/VND không có xu hướng giảm như năm 2021 mà từ đầu năm 2022 đến nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021. Mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh, nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định. NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ông Khoa cho rằng, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô Dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Theo đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống Tổ chức Tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ.

"Trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế", ông Khoa nhấn mạnh.

Triển vọng nửa cuối 2022: Tiếp tục tỏa sáng

Là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch, ông Khoa cho biết, Việt Nam hiện đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau COVID-19. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã dự báo, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, những gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng tác động không ít đến Việt Nam bởi nền tảng sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất nhiều. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ nước này, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%). Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ là cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Khoa nhận định, FDI sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam - một trong hai thành viên nổi bật nhất trong ASEAN xét về tỷ trọng FDI trên GDP cho thấy mức độ thu hút của quốc gia này ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, thu hút FDI cũng nên đi đôi với tính bền vững.

"Thực tế, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng xanh hơn, bền vững hơn và giảm phát thải nhà kính để thu hút được dòng FDI “xanh” thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", ông Khoa nói.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh, ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh…

"Ngoài ra, Việt Nam nên tiếp cận thị trường vốn quốc tế cho phát triển xanh, tận dụng sự quan tâm của thị trường vốn với khẩu vị của nhà đầu tư đang theo chiều hướng có lợi", ông Khoa nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục