Các tổ chức tài chính có thêm một cơ hội quý báu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chưa từng có tiền lệ, trong đó cả thế giới phải trải qua một thời kỳ ảnh hưởng bởi đại dịch thảm khốc, trong phút chốc tất cả mọi người trên hành tinh này cùng phải đối diện một cơn khủng hoảng tác động đến mọi mặt của đời sống: y tế, kinh tế, tâm lý và xã hội.
Các tổ chức tài chính có thêm một cơ hội quý báu

Mặc dù Việt Nam đã tự tin kiểm soát được cơn khủng hoảng này trong năm 2020, virus Covid-19 lại liên tục xuất hiện thêm những biến chủng mới nguy hiểm và lây lan ghê gớm hơn, trong đó, biến chủng Delta đã thực sự để lại ảnh hưởng sâu sắc lên Việt Nam từ tháng 4/2021.

Năm 2021, Việt Nam có một khởi đầu mạnh mẽ nhờ thành tích là một trong số ít quốc gia hiếm hoi duy trì mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 với GDP đạt 2,9%. Chúng tôi đã kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì phong độ và đạt mức tăng trưởng GDP cả năm là 7%. Quả thật, Việt Nam đã làm được điều đó trong quý I với sản lượng sản xuất cùng đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh.

Tuy nhiên, quý III lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch mỗi ngày thêm siết chặt, đặc biệt ở khu vực Nam Bộ, kinh tế đã hứng chịu những tác động nặng nề. Mặc dù chúng tôi đã sớm nhìn thấy tình hình GDP quý III của Việt Nam sẽ xấu đi nhưng gián đoạn kinh tế thực tế đã để lại những hậu quả nặng nề chưa từng thấy.

Kết quả là Việt Nam chứng kiến một quý giảm sâu nhất trong lịch sử với GDP tăng trưởng âm 6,2%, chủ yếu do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài khiến kết quả sản xuất và xuất khẩu bị đảo ngược so với tình hình quý I, những ngành chịu ảnh hưởng chính trong đợt này là dệt may, da giày và điện tử tiêu dùng. Đơn hàng mới và đơn xuất khẩu mới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi, báo hiệu một cơn chấn động không hề nhẹ lên hoạt động sản xuất của Việt Nam.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Những tổn thương kinh tế không chỉ diễn ra trong lĩnh vực sản xuất mà còn xuất hiện ở lĩnh vực dịch vụ vốn đã “ngấm đòn” từ những “vết thương chí mạng”. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, ngành du lịch và tiêu dùng như bán lẻ, nhà hàng, khách sạn và vận tải đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Kết quả là thị trường lao động bị suy yếu kéo theo thất nghiệp gia tăng lên mức cao kỷ lục kể từ năm 2011 tới nay.

Điều đáng mừng là tất cả những gì tồi tệ nhất đều đang trôi qua. Tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh trong thời gian gần đây cộng với lượng vắc-xin dự trữ từ các hợp đồng đặt mua thêm của chính phủ cho thấy Việt Nam đã không còn phải đối mặt với vấn đề cung ứng vắc-xin và đã chuyển sang giai đoạn tính toán làm sao để triển khai tiêm phòng cho người dân nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Chương trình tiêm chủng là chiến lược then chốt để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, trong đó việc duy trì triển khai tiêm vắc-xin đều đặn là tiền đề quan trọng cho Việt Nam để mở cửa biên giới đón khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo điều kiện để mở cửa nền kinh tế một cách ổn định.

Là một người nước ngoài cùng Việt Nam trải qua cuộc khủng hoảng này, tôi nhận ra một điều đó là khả năng phi thường của người Việt Nam khi cần đoàn kết, đồng lòng cùng nhau tìm cách giải quyết khó khăn họ gặp phải.

Khi chúng ta cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này, mỗi người đều có một vai trò nhất định. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Khi tất cả giang tay ra giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta sẽ sớm có thể đạt đến trạng thái bình thường mới trong cuộc sống và nền kinh tế cũng sẽ lấy lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực.

Trong bối cảnh đó, ngành tài chính tất nhiên cần hoàn thành vai trò hỗ trợ đất nước và đảm bảo nền kinh tế nắm bắt cơ hội tương lai dành cho quốc gia và con người Việt Nam.

Trước đây, các ngân hàng đã phải tiến hành các biện pháp đúng đắn nhằm siết chặt khẩu vị rủi ro khi tình hình kinh tế xấu đi. Khi chuỗi cung ứng bắt đầu vận hành trở lại, trong hiện tại và ngắn hạn, ngân hàng cần chủ động rà soát lại mức kiểm soát và chính sách để hỗ trợ khách hàng khi họ kinh doanh trở lại và giúp họ tiếp tục phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn tiền trong giai đoạn khó khăn này.

Các ngân hàng hiểu rõ nhất khách hàng của mình sẽ ở vào vị thế tốt hơn để đồng hành cùng họ để giãn nợ nhằm giúp họ bình ổn dòng tiền. Các động thái này cần đi đôi với phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để tiếp thu và triển khai hiệu quả các hướng dẫn hỗ trợ cũng như ngành tài chính cùng đưa ra những đề xuất có lợi cho quá trình triển khai các biện pháp hỗ trợ.

Một trong những việc cần làm của ngân hàng là phải nhìn xa trông rộng để hiểu rõ rủi ro cũng như cơ hội trong quá trình nền kinh tế đi qua cơn khủng hoảng này. Những rủi ro trong giai đoạn “quá độ” này thường bất ổn và hay thay đổi, đòi hỏi phải được giám sát chặt chẽ, phân tích thường xuyên để xác định ngành nào, lĩnh vực nào đang cần tập trung quan tâm. Tuy nhiên, bức tranh nền kinh tế trong và sau Covid-19 không chỉ toàn màu xám, trong đó cũng có nhiều màu sắc tích cực.

Các ngân hàng có thể giúp điều phối nguồn vốn và hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang trạng thái bình thường mới trong khi nắm bắt những cơ hội trong các xu hướng mới như số hóa, thương mại điện tử… Ngoài ra, có rất nhiều sáng kiến và hoạt động mới ngành tài chính đã thực hiện trong thời gian diễn ra đại dịch có thể thể tiếp tục phát huy trong giai đoạn bình thường mới và phát triển thành thông lệ.

Theo quan điểm của tôi, có một số trọng tâm cần chú ý để có thể thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước, đó là:

Thứ nhất, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ về. Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn FDI cao nhất thế giới so với tỷ trọng GDP nhờ cơ chế chính sách ổn định, rõ ràng, nguồn nhân công chăm chỉ và hiệu quả về mặt kinh tế, số lượng hiệp định tự do thương mại đã ký, lạm phát trong tầm kiểm soát và tiền tệ ổn định;

Thứ hai, khối doanh nghiệp đang ngày càng lớn mạnh và phát triển về chiều sâu;

Thứ ba, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh ở Việt Nam và những thay đổi tầng lớp này mang đến cho những mô hình tiêu dùng;

Thứ tư, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng thêm, cụ thể Việt Nam dành khoảng 7% GDP để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay, cầu đường, kho cảng, nhà máy phát điện…

Thứ năm, Việt Nam được thay đổi nhóm xếp hạng, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên quan điểm đầu tư vốn chủ sở hữu, khi đó sẽ có thêm nhiều dòng vốn đầu tư đổ vào quốc gia này

Trong giai đoạn trung hạn, các ngân hàng sẽ cần hỗ trợ các điểm nêu trên để thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam. Các ngân hàng quốc tế như HSBC sẽ cần phối hợp với khách hàng bên ngoài Việt Nam để tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước này như một điểm đến hấp dẫn FDI. Ngay cả trong đại dịch, chúng tôi đã và đang tổ chức nhiều hội thảo cho khách hàng và nhóm quản lý quan hệ khách hàng của chúng tôi ở các thị trường Âu, Mỹ và châu Á nhằm tiếp tục quảng bá cho Việt Nam. Các sự kiện đều thu hút mức độ quan tâm lớn và chúng tôi sẽ tiếp tục chuỗi hội thảo trong quý cuối của năm cũng như tiếp nối trong năm 2022.

Mặt khác, các ngân hàng sẽ cần tiếp tục đưa ra thêm nhiều giải pháp mới, đa dạng để hỗ trợ khối doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn. Covid-19 đã góp phần thúc đẩy quá trình thay đổi giống như cách con người sống và đối xử với thiên nhiên. Đi đôi với yêu cầu của các chính phủ, nhà phát hành, nhà đầu tư trên toàn thế giới, nhận thức của các doanh nghiệp về phát triển bền vững đã vươn lên một tầm cao mới. Giờ đây, chúng ta có thể thấy rõ vai trò của ngân hàng không chỉ đơn thuần mang đến các giải pháp tài chính thông thường mà còn cần hỗ trợ tham vọng xanh của Việt Nam với các giải pháp tài chính bền vững.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các ngân hàng cũng sẽ cần phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường thỏa thuận hợp tác giữa hai khối công và tư để khuyến khích khối tư nhân tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng. Các ngân hàng sẽ phải hỗ trợ hỗ trợ thu xếp các quỹ đầu tư vào những dự án lớn bởi thiếu cơ sở hạ tầng kìm hãm phát triển kinh tế và nếu không giải quyết triệt để vấn đề đó, Việt Nam có thể sẽ đánh mất nhiều cơ hội trong tương lai.

Thỏa thuận hợp tác mới công bố giữa HSBC và Temasek chính là một ví dụ, hai bên sẽ cùng phối hợp huy động các nguồn lực tài chính và thúc đẩy sáng tạo cho các dự án xây dựng hạ tầng bền vững với trọng điểm ban đầu là Đông Nam Á. Tài chính công tư phối hợp tuy không phải hình thức mới mẻ nhưng lại hết sức cần thiết nhằm lấp đầy những khoảng trống trong đầu tư xây dựng hạ tầng bền vững.

Cụ thể, tôi nhận thấy chính hoàn cảnh hiện tại đã trao cho các tổ chức tài chính một cơ hội quý báu để có thể nhìn xa hơn, tìm cách tự bảo vệ bản thân và nền kinh tế bằng cách tận dụng cơn khủng hoảng như một chất xúc tác đẩy mạnh chuyển đổi số nhanh chóng, đơn giản hóa chính sách và quy định, tối ưu hóa mô hình hoạt động và linh hoạt ứng phó với các rủi ro không ngừng biến hóa với định hướng nâng cao trải nghiệm khách hàng, định hướng hành vi và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và tạo ra tác động tích cực cho thị trường. Điều đó sẽ giúp nâng cao năng lực ứng phó rủi ro cho khối ngân hàng, cho khách hàng và cả nền kinh tế nói chung trước những cuộc khủng hoảng khác có thể xảy ra trong tương lai.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục