Việt Nam vẫn có môi trường đầu tư tốt

(ĐTCK) Lần đầu tiên, Câu lạc bộ Giám đốc điều hành (CEO Club) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Ngày giao lưu doanh nhân quốc tế tại TP. HCM để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng đóng góp xây dựng chính sách với đại diện các cơ quan nhà nước. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ vừa đi vào cuộc sống, cần có thông tin phản hồi để đo lường hiệu quả cũng như có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời.
Doanh nghiệp phải tự sáng tạo, tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp phải tự sáng tạo, tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua khó khăn.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương, năm 2008 xuất khẩu của Việt Nam bằng 70% GDP (GDP năm 2008 xấp xỉ 90 tỷ USD) nên nền kinh tế Việt Nam dễ biến động, thể hiện qua chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2009 chỉ tăng 2,5% so với mức tăng 16 - 17% cùng kỳ các năm trước; kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, lượng khách du lịch giảm, nguy cơ mất việc làm gia tăng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khi đó, nhóm 5 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ mới ban hành cần thời gian để phát huy tác dụng. Định hướng lớn trong các chính sách của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp qua cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, thu hút mọi nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, suy thoái kinh tế kéo giá cả hàng hóa xuống thấp mở ra cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất cho các doanh nghiệp. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Geleximco Hà Nội nhận định, thời điểm này đầu tư các nhà máy công nghệ cao rất có lợi, vì giá vốn thấp. Ông Suart Dean, Tổng giám đốc Tập đoàn GE khu vực ASEAN cho biết, giá đầu tư xây dựng một nhà máy của GE ở Hải Phòng đã giảm một nửa. Với giá thành thấp và năng suất cao, sản phẩm GE sản xuất ở Việt Nam có thể cạnh tranh trên toàn cầu.

Ông Martin Rama, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, chính sách trong trung hạn của Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng để nguồn vốn phát huy hiệu quả và huy động được nhiều nguồn vốn từ WB, vốn viện trợ phát triển thì chất lượng đầu tư công cần được nâng cao. Chính sách kích cầu của Chính phủ cần được thực hiện một cách hiệu quả.

Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP. HCM nhận xét, gói kích cầu của Chính phủ là chủ trương đúng, nhưng để thực hiện nó thì cần nhiều nỗ lực và minh bạch trong giải ngân. Theo ông Lịch, kinh tế Việt Nam đang suy giảm, tăng trưởng dưới tiềm năng, chứ không phải là suy thoái như các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Việt Nam chưa đến nỗi đối mặt với tình hình tồi tệ như mất việc làm hàng loạt, khủng hoảng tài chính nghiêm trọng… nên các giải pháp kích cầu, bình ổn thị trường của Chính phủ cần phải làm đúng thời điểm, đúng đối tượng và linh hoạt. Về cơ bản, doanh nghiệp phải tự sáng tạo, tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua khó khăn và phát triển.

Yếu tố thuận lợi cho Việt Nam hiện nay là cộng đồng doanh nghiệp vẫn đánh giá Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn do chính trị - xã hội ổn định. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được tiếp tục được sửa đổi, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch… để thu hút đầu tư.

Xuân Phương
Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục