Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam - Đức có mối quan hệ lịch sử lâu dài, tốt đẹp. Hợp tác toàn diện giữa 2 quốc gia, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực đầu tư thương mại, đào tạo doanh nghiệp (DN), doanh nhân là hết sức quan trọng. Bộ trưởng Vinh bày tỏ hy vọng, 2 nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng trên các lĩnh vực mà hai bên đều có lợi thế để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cho biết, Đức coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN. Thời gian qua, có rất nhiều DN Đức muốn đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại và đào tạo. Tuy nhiên, yếu tố cơ sở hạ tầng của Việt Nam, thủ tục cấp phép và năng lực đào tạo nhân lực là những yếu tố mà các DN Đức muốn được làm rõ. Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel cho rằng, để tăng cường thu hút đầu tư, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện các chính sách, cải thiện môi trường đầu tư để hấp dẫn các nhà đầu tư của Đức vào Việt Nam hơn nữa.
Đại diện các DN Đức, ông Martin Brudermueller, Phó Chủ tịch Ban điều hành Tập đoàn BASF cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường tại châu Á - Thái Bình Dương mà BASF nhận thấy có nhiều cơ hội để đầu tư và phát triển bền vững.
“Tôi tin rằng hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại giữa 2 quốc gia sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đầu tư của mình, cũng như tăng cường hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới, nhằm tăng tính hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung chung cũng như DN Đức nói riêng”, ông Martin khuyến nghị.
Cũng tại buổi đối thoại, hai bên đã ký tuyên bố chung giữa Bộ kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức về Chương trình hợp tác đào tạo doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Giao thông vận tải và Công ty Công nghệ giao thông IVU cũng đã được ký kết nhân dịp này.
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhu cầu tăng cao trên tất cả các lĩnh vực đang biến Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đức khi các DN này có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại châu Á.
Số liệu thống kê của Cục cho thấy, xu hướng đầu tư của các DN Đức tại Việt Nam đã tăng lên rõ rệt kể từ năm 2011. Trong 10 tháng đầu năm 2011, Đức mới chỉ có 7 dự án, với tổng vốn đầu tư là 34 triệu USD, thì tới năm 2013 các con số này đã tăng lên 18 dự án và 90 triệu USD trong cùng thời điểm.
10 tháng đầu năm nay, Đức đã đăng ký 21 dự án với tổng vốn đầu tư 142 triệu USD. Tính đến hết tháng 10/2014, Đức có 239 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,336 tỷ USD, đứng thứ 22 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.