Việt Nam trước cơ hội đón “sóng” FDI quy mô lớn

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chỉ dấu cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào phản ứng chính sách của Việt Nam.
Sản xuất tại Công ty ABB chuyên về công nghệ điện lực và tự động hóa. Ảnh: Đức Thanh Sản xuất tại Công ty ABB chuyên về công nghệ điện lực và tự động hóa. Ảnh: Đức Thanh

“Dập dìu” nhà đầu tư tìm đến

Một đoàn gồm 25 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) đang có chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Sẽ không dễ để có các cam kết được đưa ra, nhưng việc các nhà đầu tư Ấn Độ tìm đến trong thời điểm này cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn đang có sức hấp dẫn không nhỏ.

ACMA là một hiệp hội quy mô lớn, với 800 thành viên là các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô và đóng góp hơn 85% doanh thu của ngành này tại Ấn Độ. Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ô tô vẫn là một khoảng trống lớn, cho dù lần lượt các tên tuổi lớn như Honda, Ford, Toyota, Hyundai… đều đã có cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Ông Yuvraj Kapuria, Chủ tịch YBLF (thành viên của ACMA) cho biết, ACMA mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam để cùng khám phá, khai thác các thị trường mới.

“Chúng tôi chấp nhận mọi phương thức hợp tác, bao gồm cả đầu tư vào Việt Nam”, ông Yuvraj Kapuria nói.

Trong khi đó, hơn một tuần trước, ông Yerkin Tatishhev, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Kusto cũng đã có chuyến thăm Việt Nam sau 3 năm gián đoạn vì Covid-19. Sau chuyến đi kéo dài tới 10 ngày, gặp gỡ các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đối tác, ông Yerkin Tatishhev đã tính đến phương án mở rộng đầu tư tại Việt Nam, sau khi đã đầu tư hơn 1 tỷ USD cho 10 thương vụ lớn tại Việt Nam trong 15 năm qua. Hai lĩnh vực mà Tập đoàn Kusto quan tâm là nhà ở xã hội và các dự án hạ tầng.

“Tôi rất hào hứng với chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện”, ông Yerkin Tatishhev nói và không giấu giếm tham vọng trở thành một phần của kế hoạch này.

Một ngân khoản lên tới hàng trăm triệu USD rất có thể sẽ được Kusto đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, nếu các dự án đáp ứng được các tiêu chí và triết lý kinh doanh của Tập đoàn.

Bình Dương là địa điểm mà ông Yerkin Tatishhev đã tới tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cũng ở tỉnh này, cách đây ít ngày, ông Robert Wu, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) đã tìm đến.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng cả cơ sở sản xuất, kinh doanh tại đây. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng tốc phục hồi và phát triển hơn nữa sau đại dịch. Chính phủ cũng đang dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam”, ông Robert Wu nói.

Một tập đoàn khác, đến từ Hàn Quốc, thậm chí còn có tham vọng lớn hơn nữa tại thị trường Việt Nam. Đó là Tập đoàn SK.

Trong cuộc trao đổi trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vào trung tuần tháng 8/2022, ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK cho biết, Tập đoàn đang xem xét các điều kiện để đầu tư các dự án hydrogen tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam.

Là tập đoàn lớn thứ hai tại Hàn Quốc, SK thời gian qua đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư lớn tại Việt Nam, trong đó có việc rót 470 triệu USD mua 9,4% cổ phần của Masan Group, 1 tỷ USD cho 6% cổ phần của Vingroup và 340 triệu USD đầu tư vào TheCrownX. Theo thông tin trong những ngày gần đây, rất có thể, SK cũng đã dốc vốn vào hệ thống nhà thuốc Pharmacity tại Việt Nam.

SK cũng đã có sự hỗ trợ lớn đối với việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và đã có những cam kết đồng hành lâu dài với Chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, trong cuộc đối thoại với Chủ tịch Chey Tae-won, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn rằng, SK sẽ coi Việt Nam là điểm đến chiến lược toàn cầu và sẽ tiếp tục mở rộng dự án đầu tư.

Cơ hội “đón sóng” FDI

Việc các nhà đầu tư “dập dìu” đến Việt Nam thời gian gần đây cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để “đón sóng” FDI.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong một diễn đàn gần đây về vấn đề này đã nói rằng, Việt Nam đang đứng trước “nhiều cơ hội” để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.

Một đoàn gồm 25 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) đang có chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Thực ra, không chỉ là cơ hội. “Sóng” đầu tư vẫn đang đến Việt Nam. Bằng chứng là khi đến thăm Việt Nam mới đây, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc) đã cho biết, Samsung sẽ tiếp tục đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay. Trong số này, hơn 2 tỷ USD đã được cam kết đầu tư vào các dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên và Samsung Complex HCMC - SEHC. Phần còn lại sẽ sớm được công bố trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, thông tin được báo chí nước ngoài đăng tải thời gian gần đây, Foxconn đang lên kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, sau khi đã cam kết đầu tư 270 triệu USD vào đầu năm ngoái.

Ngoài Foxconn, như Báo Đầu tư đã thông tin, hàng loạt tên tuổi lớn khác, như Luxshare, Goertek… đã không ngừng mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Điều đó có nghĩa, sẽ có thêm nhiều linh kiện, sản phẩm nữa của Apple được sản xuất tại Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài đã đánh giá rất cao xu hướng này. Ông Tuấn đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam đang có cơ hội đón sóng FDI. Đó là việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19; các lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa; sự quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương…

Thời gian gần đây, việc Việt Nam quyết tâm đầu tư lớn cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, cũng được cho là một điểm cộng rất lớn.

Tuy vậy, việc Việt Nam đón được đến đâu cơ hội này là chuyện khác. Chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh việc dòng vốn đầu tư không tự dưng đến, mà phụ thuộc rất lớn vào phản ứng chính sách, vào sự sẵn sàng chuẩn bị của Việt Nam, bao gồm cả đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng… Cũng chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thời gian gần đây đã nhiều lần chia sẻ nỗi lo về việc Việt Nam chưa tận dụng được các cơ hội của sự dịch chuyển vốn đầu tư…

Có lẽ, còn rất nhiều việc Việt Nam phải làm để có thể thực sự “đón sóng” FDI.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục