Việt Nam - Trung Quốc 'bắt tay' lập chuỗi nông sản bền vững

Việt Nam - Trung Quốc cùng bắt tay xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao mức độ thuận lợi hóa thương mại nông sản - thực phẩm, xây dựng môi trường ổn định, công bằng cho hợp tác kinh tế, thương mại.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, từ ngày 12-14/10, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã trao 2 Văn kiện hợp tác về kinh tế, thương mại nông sản...

Bao gồm: Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững và Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), việc ký kết các văn kiện hợp tác nêu trên với Bộ Thương mại Trung Quốc là cơ sở quan trọng để Bộ Công thương tiếp tục duy trì và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường này.

Việc ký kết còn nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp để xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Cụ thể, Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững nhằm mục tiêu xây dựng môi trường ổn định, công bằng cho hợp tác kinh tế, thương mại và thương mại nông sản - thực phẩm; cùng đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản - thực phẩm thông suốt, ổn định và an toàn giữa hai nước, trong khu vực và trên toàn cầu.

Bản ghi nhớ cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết cung ứng nông sản - thực phẩm; Nâng cao mức độ thuận lợi hóa thương mại nông sản - thực phẩm và các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại liên quan.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. 9 tháng 2024, nhiều loại nông sản đã đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD sang thị trường này.

Thủy sản: 1,21 tỷ USD, tăng 19,8%

Rau quả: 3,79 tỷ USD, tăng 37,8%

Cao su: 1,37 tỷ USD, giảm 4,6%

Gỗ và sản phẩm gỗ: 1,54 tỷ USD

Tương tự, đối với Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc được kỳ vọng là cơ sở để hai Bên tích cực cùng nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của mỗi bên.

Bản ghi nhớ về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc còn nhằm thực hiện theo nội dung lãnh đạo cấp cao mà hai Bên đã đạt được sự đồng thuận tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 8/2024.

Những năm gần đây, quan hệ đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới.

Bộ Công thương cho hay, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số.

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.

9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 148,6 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 105 tỷ USD, tăng 32,5%.

Từ nay đến hết năm 2024, với đà cải thiện mạnh mẽ về thương mại trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc có thể chạm mốc 200 tỷ USD.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục