Việt Nam trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 tại ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
Theo Báo cáo “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024” của Momentum Works vừa công bố, thương mại điện tử Đông Nam Á liên tục tăng trưởng mạnh qua các năm gần đây.
TikTok Shop đang trỗi dậy mạnh mẽ tại Đông Nam Á. TikTok Shop đang trỗi dậy mạnh mẽ tại Đông Nam Á.

Theo báo cáo "Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024" của Momentum Works mới công bố, mặc dù nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Đông Nam Á vẫn liên tục tăng trưởng qua các năm, GMV năm 2023 thậm chí đã gấp đôi năm 2020. Tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) trên 8 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất khu vực này đã tăng 15% so với năm ngoái, đạt 114,6 tỷ USD trong năm 2023.

Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất, với GMV tăng lần lượt là 52,9% và 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 khu vực. Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Indonesia vẫn là thị trường thương mại điện tử lớn nhất ASEAN, đóng góp 46,9% vào GMV của khu vực. Tốc độ tăng trưởng 3,7% là mức khiêm tốn nhất trong khu vực.

Shopee tiếp tục dẫn đầu thị trường với 48% thị phần, đạt 55,1 tỷ USD. Trong khi đó, Lazada và Tokopedia lần lượt đạt 18,8 tỷ USD và 16,3 tỷ USD.

TikTok Shop đã có bước nhảy vọt ngoạn mục, tăng trưởng gần gấp 4 lần so với năm trước, đạt 16,3 tỷ USD, qua đó vượt Tokopedia để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai tại Đông Nam Á. Đầu năm 2024, TikTok cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, từ GoTo Group.

Năm 2023, GoTo - "ông lớn" công nghệ Indonesia - đã bán 75 % cổ phần của Tokopedia cho TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance. Trước đó, TikTok Shop, nền tảng bán hàng qua mạng xã hội của TikTok, đã phải đóng cửa tại Indonesia vào tháng 10/2023 do lệnh cấm thương mại xã hội.

Dù đã có hơn 125 triệu người dùng ở quốc gia đông dân nhất ASEAN, TikTok phải chấp nhận tham gia thị trường Indonesia qua liên doanh với công ty nội địa. Tokopedia, thành lập năm 2009, thuộc tập đoàn GoTo của Indonesa khẳng định cùng với Tiktok Shop sẽ quảng bá cho hàng hóa Indonesia. TikTok, Tokopedia và GoTo sẽ biến đổi lĩnh vực thương mại điện tử của Indonesia, tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm mới trong 5 năm tới. Theo thỏa thuận, TikTok sẽ mua hơn 75% cổ phiếu của PT Tokopedia, đưa hoạt động kinh doanh của TikTok Shop vào nền tảng Tokopedia mở rộng.

TikTok dự kiến rót hơn 1,5 tỷ USD vào công ty mới sáp nhập, trong đó 500 triệu USD được thanh toán ngay lập tức, cho thấy tham vọng chinh phục thị trường béo bở Indonesia.

Ông Jianggan Li, nhà sáng lập kiêm CEO của Momentum Works nhận định: Với sức bật mạnh mẽ từ các thị trường như Việt Nam, Thái Lan và sự trỗi dậy của các nền tảng như TikTok Shop, rõ ràng đổi mới và thích ứng là yếu tố sống còn. Sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử trực tiếp đang định hình lại ngành, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong khu vực”.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục