Theo kết quả khảo sát của Jetro mới đây, có trên 65% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam trong năm 2017 công bố có lãi, tăng 2,3 điểm so với năm trước.
Số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 19,4% (giảm 5,7 điểm so với năm trước). Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì trong ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu (EPE) trả lời có lãi là 67,5%.
Với kết quả kinh doanh tích cực này, triển vọng mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản nhận định rất sáng sủa với trên 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng.
So sánh bức tranh hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam với hiện trạng tại các quốc gia khác trong khu vực ASEAN và châu Á, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội cho rằng đây là con số rất quả quan.
“Tại Trung Quốc, có tới 48,3% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, trong khi tỷ lệ trung bình tại các nước ASEAN là 55%. Rõ ràng, con số 70% doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam là cao hơn hẳn”, ông Hironobu Kitagawa nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về quy mô thị trường Việt Nam, khả năng tăng trưởng, bên cạnh đó sự ổn định chính trị và giá nhân công rẻ cũng là những lợi thế so sánh với các quốc gia khác. Đặc biệt, điểm rất đáng chú ý trong kết quả khảo sát năm nay là doanh nghiệp Nhật giờ đây không chỉ coi Việt Nam là trung tâm đặt cơ sở sản xuất, mà còn là trung tâm trong hoạt động kinh doanh thương mại của họ.
Bên cạnh đó, Jetro cũng chỉ ra 5 rủi ro trong môi trường đầu tư theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam phải đối mặt. Đó là tốc độ tăng chi phí nhân công đang tăng cao với 61,6% doanh nghiệp trả lời, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và vận dụng pháp luật không rõ ràng (46,9%), cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện (38,2%), thủ tục hành chính phức tạp (39,5%) và cơ chế, thủ tục thuế phức tạp (42%).
Tại Trung Quốc, có tới 48,3% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, trong khi tỷ lệ trung bình tại các nước ASEAN là 55%. Rõ ràng, con số 70% doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam là cao hơn hẳn
Đại diện Jetro cho biết, kết quả này cho thấy, so với báo cáo công bố năm ngoái, chỉ có 2 chỉ số được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là có cải thiện hơn so với trước là chi phí nhân công, cơ chế và thủ tục thuế trong khi các chỉ số còn lại đều giảm điểm.
Bên cạnh đó, có tới 30,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng Việt Nam vẫn nằm trong số các nước có ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, ngoài ra, vấn đề tăng lương và khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu cũng là những vấn đề còn tồn tại được nhiều doanh nghiệp Nhật chỉ ra.
Riêng về tỷ lệ nội địa hóa, Jetro cảnh báo tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong khảo sát năm nay đã giảm 1 điểm so với năm ngoái, đạt 33,2%. Con số này vẫn luôn ở mưc thấp so với Trung Quốc và nhiều nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Đi cùng với tình trạng này thì tỷ lệ cung ứng linh kiện, nguyên vật liệu từ các doanh nghiệp nước ngoài khác vẫn còn cao. Theo Jetro, đây là điểm bất lợi cho các doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam so với tại các nước khác do bị gia tăng chi phí sản xuất khi phải mua linh kiện từ các doanh nghiệp nước ngoài thứ ba thay cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường sở tại.
“Các doanh nghiệp Nhật đều thống nhất rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí thì việc tăng cường thu mua linh kiện và nguyên vật liệu từ các doanh nghiệp Việt Nam là điều không thể thiếu. Do đó, rất cần có sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ cũng như điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể phát triển mạnh trở thành mạng lưới cung ứng thường xuyên cho các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam”, Trưởng đại diện Jetro nhấn mạnh.
Năm 2017, vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đã vượt mức kỷ lục với trên 8,6 tỷ USD. Số dự án đầu tư mới cũng ghi nhận mức tăng mạnh với 367 dự án. Bên cạnh ngành chế biến, chế tạo, dòng vốn đầu tư đã đa dạng hơn với nhiều lĩnh vực những dự án về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà máy phát điện, các dự án về điện tử, bất động sản, sản xuất sợi.
Ngoài 3 dự án đầu tư lớn có số vốn cấp phép trên 1 tỷ USD, các dự án đầu tư mới chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Cơ cấu ngành nghề đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm qua vẫn tương đồng về số dự án đầu tư.
Tuy nhiên, khối chế tạo giảm khoảng 20%, từ mức 516 triệu USD chiếm 59% tổng vốn đầu tư mới xuống còn 417 triệu USD năm 2017, trong khi bất động sản tăng từ 7% tổng vốn đầu tư trong năm 2016 (tương đương 57 triệu USD) lên 23% năm 2017 với 232 triệu USD.