Việt Nam sẽ phải chi từ 7 đến 9 tỷ USD chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm từ sản xuất điện

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 ( EOR19) đưa ra con số giật mình, rằng Việt Nam sẽ phải chi 7-9 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2030 do ô nhiễm từ sản xuất điện.
Việt Nam sẽ phải chi 7-9 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2030 do ô nhiễm từ sản xuất điện. Việt Nam sẽ phải chi 7-9 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2030 do ô nhiễm từ sản xuất điện.

Phát thải từ việc sử dụng than trong ngành điện làm tăng chi phí y tế cho xã hội. Vào năm 2030, chi phí y tế do ô nhiễm từ sản xuất điện ở Việt Nam ước tính khoảng 7-9 tỷ USD. Thông tin từ Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 ( EOR19) cho hay.

Theo EOR19, giả thiết mức làm sạch khí thải không tăng, thì chi phí ô nhiễm không khí từ ngành điện ước tính là 23 tỷ USD/năm, tương đương với hơn 2% GDP vào năm 2050. Chi phí này sẽ giảm xuống còn 7 tỷ USD nếu các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và khí tự nhiên hóa lỏng được thực thi.

Mặc dù là nước xuất khẩu năng lượng trong một thời gian dài, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng từ năm 2015. 

Vào năm 2030, tất cả các kịch bản đều thể hiện sự tăng mạnh nhập khẩu than và dầu. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu trong tương lai có thể giảm từ 60% xuống 51% vào năm 2030 và từ 71% xuống 58% vào năm 2050, nếu đồng thời phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng khí tự nhiên (LNG) và các biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm thay thế hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.

Chi phí nhập khẩu nhiên liệu có thể giảm được nhờ các biện pháp tiết kiệm năng lượng, trong khi việc hạn chế nhiệt điện than tự nó không làm giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu vì nhiên liệu than được thay thế bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ.

Việc gia tăng hoạt động vận tải đường bộ sẽ làm tiếp tục xu hướng tăng tiêu thụ dầu trong quá khứ, làm cho dầu trở thành nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu chính trong dài hạn. Dựa vào số liệu hoạt động giao thông vận tải của Bộ Giao thông Vận tải, báo cáo EOR19 chỉ ra rằng việc chuyển đổi các phương tiện vận chuyển, kể cả vận chuyển hàng hóa và hành khách, sang loại mới và có hiệu suất năng lượng cao có thể giúp giảm 25% lượng dầu nhập khẩu vào năm 2050

Quy hoạch năng lượng dài hạn chỉ ra con đường giảm mạnh phát thải CO2 trong tương lai, Báo cáo EOR19 nêu và khẳng định, tiền thu được từ việc thực hiện tiết kiệm năng lượng vượt xa chi phí đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.

Kết hợp tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể giúp giảm phát thải CO2 tới gần 20% vào năm 2030 và 40% vào 2050 so với kịch bản cơ sở. Điều này còn giúp giảm tổng chi phí hệ thống điện, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu và giảm chi phí y tế của xã hội.

Mặc dù việc đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng khiến chi phí tăng lên, nhưng Báo cáo khẳng định, chi phí đầu tư này vẫn thấp hơn nhiều so với số thu được từ tiết kiệm nhiên liệu và giảm đầu tư nguồn phát điện.

Ví dụ, vào năm 2030, nếu đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ khiến Việt Nam phải bỏ thêm 7 tỷ USD thì số tiền lãi  thu được sau khi trừ vốn đầu tư gốc sẽ là 3 tỷ USD.

Hơn nữa  tiết kiệm năng lượng sẽ đóng góp giảm đáng kể phát thải CO2: áp dụng thành công các công nghệ tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm phát thải CO2 ở mức 83 triệu tấn vào năm 2030 và 237 triệu tấn vào năm 2050, chủ yếu trong các ngành: điện, công nghiệp và giao thông vận tải.

Để gặt hái tiềm năng này, cần đặt ưu tiên cao cho những biện pháp tiết kiệm năng lượng trong Quy hoạch Điện 8 và phải tập trung vào việc loại bỏ những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho các đầu tư lớn vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục