Việt Nam, Nhật Bản hợp tác hướng tới Net Zero vào năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050, còn Nhật Bản đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) xuống 46% vào năm 2030, tiến tới đạt mục tiêu giảm 50% vào năm 2050. Hợp tác quốc tế có thể giúp giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.

Sau khi đã trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng vào những năm 1970 và những năm 1980, cũng như thảm hoạ động đất vào năm 2011, Nhật Bản đã nỗ lực giảm sử dụng năng lượng trong nhiều ngành như giao thông, công nghiệp, cơ quan Chính phủ và các lĩnh vực gia dụng. Nhật Bản có thể chia sẻ những kinh nghiệm với Việt Nam trong việc giảm phụ thuộc năng lượng.

Lĩnh vực hợp tác đáng chú ý giữa Việt Nam và Nhật Bản đến nay là cơ chế tín chỉ chung JCM (Joint Crediting Mechanism). JCM là cơ chế Nhật Bản đề xuất đối với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp để hướng tới tăng trưởng xanh ở nước sở tại.

Một ví dụ của chương trình hợp tác này là dự án tiết kiệm năng lượng sử dụng đèn LED tiết kiệm điện đặc biệt với công nghệ mới từ Stanley Electric, Nhật Bản.

Những năm qua, nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được Chính phủ Nhật Bản triển khai, trong đó có hỗ trợ tài chính, cung cấp cơ sở nghiên cứu và trợ cấp R&D, thành lập các cơ quan kiểm định và kiểm tra, đồng thời hỗ trợ hợp tác kinh doanh.

Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương của Chính phủ Nhật Bản (JETRO) đã thúc đẩy đầu tư vào Nhật Bản từ đầu năm 2000. Chính quyền trung ương và địa phương cùng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Một trong những ngành ưu tiên là xanh và bền vững.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI).
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI).

Doanh nghiệp Nhật Bản có lịch sử lâu dài khai thác năng lượng địa nhiệt ở Nhật Bản, tuy nhiên các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo có vốn đầu tư nước ngoài vẫn có nhiều cơ hội kinh doanh.

Ví dụ, một công ty địa nhiệt Canada là Eavor Technologies đã thành lập Công ty Eavor Japan K.K. ở Thủ đô Tokyo. Vào tháng 10/2022, Chubu Electric Power Co. (Nhật Bản) đã ký thoả thuận đầu tư vào Eavor và hỗ trợ thương mại hoá kỹ thuật của công ty này.

Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Chubu Electric Power nhằm thâu tóm cổ phần chiến lược trong một công ty địa nhiệt toàn cầu. Công nghệ của Eavor không cần sử dụng bơm hay bẻ khoá, hay sinh ra cơn địa chấn, giúp tiết kiệm thời gian, giảm tác động đến môi trường ở những khu vực miền núi Nhật Bản.

Chúng tôi luôn đón chào các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo toàn cầu đến để thử các công nghệ tiên tiến giúp giải quyết những vấn đề môi trường và năng lượng. Nhật Bản đã từng trải qua nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng trong quá trình phát triển kinh tế từ thập niên 60 tới thập niên 80 của thế kỷ trước. Người Nhật Bản có một cam kết chắc chắn rằng sẽ không để những việc như vậy xảy ra một lần nữa.

Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường gia tăng hàng năm. Cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam không chỉ là cam kết quốc tế, mà còn là thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam sẽ bảo vệ vùng đất, không khí, nước, năng lượng và người dân Việt Nam.

Thách thức chủ yếu với Việt Nam là làm thế nào để cân bằng được giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hay đạt được tăng trưởng và duy trì nền kinh tế tuần hoàn. Kinh nghiệm của các nước phát triển đã trải qua cho thấy, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ góp phần đạt được hai mục tiêu trên.

Công nghệ và hệ thống của Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn đang trong quá trình phát triển. Hợp tác và cộng tác với các đối tác quốc tế sẽ giúp triển khai nhanh và hiệu quả. Vì mỗi quốc gia có kinh nghiệm, tài nguyên, lợi thế khác nhau, Việt Nam có thể tìm được những giải pháp tốt hơn cho những yêu cầu phát triển của mình.

Bảo vệ môi trường, bảo tồn, tái chế, đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản có những lợi thế về công nghệ. Thứ hai là các ngành như giao thông, logistics và vận chuyển. Một trong những điểm mạnh của Nhật Bản là hiệu quả năng lượng, phát thải các-bon thấp và giảm ô nhiễm. Thứ ba là sản xuất điện xanh đáng tin cậy, truyền tải, phân phối, dự trữ năng lượng và quản lý lưới điện. Thứ tư là nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản bền vững nhằm tạo nên một hệ sinh thái thực phẩm an toàn, chất lượng.

Chúng tôi chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam sử dụng công nghệ và mô hình kinh doanh tiên tiến. Vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng mà Nhật Bản và Việt Nam có thể khai thác trong thời gian tới.

Takeo Nakajima
Trưởng đại diện JETRO Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục