Chiều 24/8, tại Tokyo, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ Công thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản.
Diễn đàn là một sự kiện quan trọng hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 2023 của hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Ông Shigetoshi Aoyama, Phó Chủ tịch JETRO đánh giá, Việt Nam là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, điển hình là năng lượng, phát triển các chuỗi cung ứng, thúc đẩy tự do hoá thương mại.., kể cả trong giai đoạn dịch bệnh. Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Nhật Bản và cả hai Bên sẽ cùng hợp tác để tăng cường sự ổn định của chuỗi cung ứng hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Qua khảo sát của JETRO, có trên 55% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư trở lại Việt Nam trong hai năm tới và tỷ lệ này ở Việt Nam hiện dẫn đầu các nước Đông Nam Á.Diễn đàn là cơ hội tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ 2 nước và góp phần cho sự thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty Chubu Electri Power, Sojitz và Amano Emzyme đề xuất về việc hợp tác phát triển năng lượng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, phát triển thị trường cho các sản phẩm enzyme… Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét các cơ chế về điện áp mái, sớm phê duyệt và ban hành Quy hoạch điện 8, hoàn thiện cơ chế ban hành mua bán điện trực tiếp…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam có định hướng tập trung tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập trung chế biến sâu về nông sản, thực phẩm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp nền tảng, là những lĩnh vực có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Trong chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị COP 26 sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Mục tiêu tham vọng này là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng để phát triển hợp lý các lĩnh vực điện sinh khối, điện khí…
Cam kết hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước đã được thể hiện qua một loạt Biên bản ghi nhớ đã được ký tại diễn đàn.
Trong đó, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Marubeni ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác với 3 chủ đề chính, gồm: Tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ danh mục các dự án điện tái tạo của T&T; tham gia thị trường mua bán chứng chỉ giảm phát thải Các bon; và cùng nghiên cứu, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt.
Để cụ thể hóa lộ trình trung hòa các-bon của Việt Nam và để xác nhận các dự án hỗ trợ của Nhật Bản cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, tại kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Nishimura Yasutoshi đã nhất trí đàm phán hướng tới ký kết trong năm 2022 Bản ghi nhớ giữa 2 Bộ về hợp tác chuyển đổi năng lượng"