Việt Nam nhập công nghệ biến rơm thành xăng máy bay

Những phế phẩm nông nghiệp rơm, cỏ, lõi ngô… sẽ được chuyển hóa thành phân bón, đường và xăng máy bay.
Các phụ phẩm nông nghiệp sẽ là nguyên liệu đầu vào của công nghệ xử lý rác. Các phụ phẩm nông nghiệp sẽ là nguyên liệu đầu vào của công nghệ xử lý rác.

Chiều 31/5, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức ký kết chuyển giao công nghệ xử lý rác thải nông nghiệp Carbolosic.

Công nghệ được phát triển bởi các tiến sĩ ở Trường Đại học Central Florida (Mỹ). Quảng Ninh là địa phương đầu tiên nhận chuyển giao công nghệ này vào tháng 7 tới.

Nhà sáng chế Walsh Joseph John, đồng tác giả công nghệ cho biết, công nghệ này dùng các phụ phẩm nông nghiệp là nguyên liệu đầu vào để sản xuất thành đường, phân bón, ethanol.

Ethanol là loại nhiên liệu được sản xuất rộng rãi nhất nhưng có nhiều nhược điểm: có hàm lượng năng lượng thấp, tính ưa nước và tinh bột hoặc có nguồn gốc đường.

Vì thế Carbolosic đề xuất kết hợp cellulose đã được cấp bằng sáng chế với công nghệ đường (CTS) với quá trình lên men và xử lý hóa học tiêu chuẩn để thu lại một loại nhiên liệu sinh học dùng cho hàng không.

Quy trình công nghệ gồm tám bước: Giảm kích thước; phản ứng cellulose thành đường (CTS); làm nổi; ly tâm; lên men; chưng cất; tách nước và xử lý hóa học.

Với việc thiết kế tách rời từng module, ông Walsh Joseph John cho biết có thể di chuyển hệ thống tới các vùng đang thu hoạch nông nghiệp để xử lý tại chỗ, hạn chế chi phí. Để xử lý một kilogram rác thải giá chỉ 0,5 cent (chưa đến 200 đồng).  

Theo bà Nguyễn Thị Hải Thu, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ này phù hợp để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

Thay vì bà con phải đốt, chôn lấp phụ phẩm nông nghiệp mỗi vụ thu hoạch, công nghệ sẽ giúp tận dụng được nguồn phế thải để chế biến thành sản phẩm có ích. 

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm cả nước thải ra 34 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp. 70% trong số đó có thể thành tài nguyên cho sản xuất và đời sống nếu được tái chế sử dụng. Lâu nay, chất thải nông nghiệp ít được sử dụng mà thường bị đốt bỏ ngay trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. 


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục