Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, những lĩnh vực nào được đánh giá là có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển từ mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel?
Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, nên nhu cầu về công nghệ cao và cải thiện hạ tầng y tế tăng mạnh. Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm chất lượng cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo tôi, nên tập trung ngay vào nhóm ngành liên quan đến các sáng kiến về môi trường và nông nghiệp bền vững. Với lợi thế về nông nghiệp, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn. Qua hợp tác, chúng ta có thể tăng năng suất và trao quyền cho nông dân Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Israel đang muốn mở rộng quy mô toàn cầu trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, chúng tôi được biết, Việt Nam đang mong muốn cải thiện mạnh mẽ dịch vụ y tế. Đây cũng là một lĩnh vực hợp tác đáng xem xét.
Hơn nữa, chúng tôi đánh giá, vị trí của Việt Nam là cửa ngõ mở ra những cơ hội trong khối ASEAN, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Israel có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn qua việc đầu tư vào Việt Nam. Theo tôi, đây là cơ hội kinh doanh tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức. Một khi được tận dụng, điều này có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho cả 2 quốc gia.
VIFTA đã được ký kết, theo ông, chúng ta cần tiếp tục làm gì để thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai nước?
Trong thời gian ngắn, có 2 việc quan trọng chúng ta cần thực hiện. Đầu tiên và quan trọng nhất là mở đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Israel. Việc này sẽ mở ra cơ hội cho nhiều du khách Israel khám phá Việt Nam và ngược lại, du khách Việt Nam cũng có thể dễ dàng đến tham quan vùng đất Thánh và đất nước Israel.
Bên cạnh đó, đường bay trực tiếp còn có tác động thúc đẩy giao thương giữa hai quốc gia. Hiện nay, thời gian di chuyển từ Israel đến Việt Nam kéo dài tới 13,5 giờ. Đường bay trực tiếp sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp của hai nước tăng cường quan hệ.
Thủ tướng Israel, ngài Benjamin Netanyahu, cũng đã bày tỏ mong muốn về việc sớm mở đường bay trực tiếp Việt Nam - Israel. Tôi tin rằng, điều này sẽ đánh dấu một chương mới trong quan hệ song phương giữa 2 bên.
Thứ hai, là tập trung vào thúc đẩy đổi mới và hợp tác. Từ kinh nghiệm của Israel khi ký kết hiệp định, hợp tác với Mỹ và Canada, chúng tôi đề xuất thành lập một quỹ hợp tác chính phủ giữa Việt Nam và Israel nhằm thúc đẩy liên doanh giữa các doanh nghiệp của 2 nước. Ngoài ra, bằng cách tận dụng nền tảng công nghệ của Israel, kết hợp với sự năng động và tiềm năng của thị trường Việt Nam, những dự án như vậy có thể mang lại những kết quả rất tích cực.
Một quỹ chung được hỗ trợ bởi 2 Chính phủ sẽ cung cấp động lực tài chính, giúp các doanh nhân từ cả 2 quốc gia nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực quan trọng, đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là thế mạnh của Israel. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này giữa 2 nước?
Tiềm năng hợp tác là rất lớn. Theo tôi, tập trung vào đổi mới công nghệ là mấu chốt. Israel chủ yếu xuất khẩu công nghệ chứ không phải sản phẩm. Ví dụ, ở khu vực phía Nam Negev, đặc biệt là ở TP. Eilat, có một viện nghiên cứu nổi tiếng trong việc thuần hóa cá từ Biển Đỏ nhằm giúp tăng tỷ lệ sống sót của trứng cá, từ đó nâng cao năng suất. Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực thuần hóa các loài như cá ngừ vây xanh, cá ngừ vây vàng... Kinh nghiệm chuyên môn này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường sản xuất thủy sản.
Israel tự hào về nông nghiệp công nghệ cao, ví dụ thủy canh. Một mẫu canh tác thủy canh cho năng suất tương đương với canh tác truyền thống trên 50 mẫu. Điều này có nghĩa là, nông dân Việt Nam, nếu sử dụng những công nghệ tiên tiến từ Israel, có khả năng nhân rộng nhiều sản phẩm trên cùng một mảnh đất.
Một cải tiến khác đến từ Israel là sự ra đời của hệ thống tưới nhỏ giọt của Netafim. Ban đầu, cải tiến này được hình thành như một giải pháp cho tình trạng khan hiếm nước ở sa mạc Negev. Hiện tại, đây là một nền tảng được trang bị cảm biến, hình ảnh vệ tinh, máy bay không người lái và các công cụ thu thập dữ liệu khác.
Một cách khái quát, Israel đặt kỳ vọng gì từ VIFTA, thưa ông?
VIFTA mới được ký kết là một trong những hiệp định toàn diện và tiên tiến nhất của Israel. Dựa trên nền tảng này, Israel mong muốn khai thác và phát huy tiềm năng hợp tác với Việt Nam, giống như những gì chúng tôi đã và đang làm với Mỹ, Canada.
Mục tiêu của Israel không chỉ đơn thuần là hợp tác với Việt Nam, mà còn định vị Việt Nam như một cửa ngõ để Israel tiến tới hợp tác với khu vực ASEAN. Tôi tin rằng, chiến lược này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả Israel và Việt Nam.