Việt Nam là câu chuyện lớn của thế giới

Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) sẽ đồng tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) vào ngày 11 - 13/9 tại Hà Nội. Trao đổi riêng với phóng viên Báo Đầu tư, ông Justin Wood, Giám đốc WEF khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, sự kiện này sẽ đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam quảng bá hình ảnh và mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư với thế giới.
Việt Nam là câu chuyện lớn của thế giới

Việt Nam và WEF bắt đầu hợp tác với nhau từ năm 1989. Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy các hoạt động và sự phát triển của WEF?

Quan hệ đối tác giữa Việt Nam và WEF rất bền chặt. Chúng tôi có mối quan hệ mật thiết với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng thường tham dự các cuộc họp của WEF và có những đóng góp cho các hoạt động của WEF. 

Vào tháng 1/2017, Việt Nam và WEF ký kết thỏa thuận hợp tác về “Phát triển nềnkinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”. Theo kế hoạch triển khai thỏa thuận này, hai bên đang tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác trong 6 lĩnh vực, gồm kinh tế và xã hội số hóa, thương mại - đầu tư qua biên giới, kết cấu hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và an ninh lương thực, giáo dục và bình đẳng giới.

Tôi cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam khiến cả thế giới chú ý vì Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào cộng đồng quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất muốn tìm hiểu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để có thể áp dụng vào Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang cải cách kinh tế mạnh mẽ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có quan hệ rất tốt với nhiều bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Hai bên đã tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như kết cấu hạ tầng và đẩy nhanh xây dựng các dự án hạ tầng tại Việt Nam.

Chúng tôi đã thành lập một nhóm làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Hy vọng rằng, trong vòng 2 năm tới, nhóm làm việc này sẽ có thể làm được nhiều điều thú vị.

Việt Nam đã rất thành công trong việc tổ chức Năm APEC 2017 và năm nay sẽ tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ông có cho rằng, hình ảnh và uy tín của Việt Nam đang ngày càng lớn trên trường quốc tế?

Tôi cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam khiến cả thế giới chú ý vì Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào cộng đồng quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế.

Ví dụ, thương mại giữa Việt Nam và thế giới đang ngày càng tăng; Việt Nam đã và sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, với nhiều cơ hội mở rộng về thương mại và thu hút đầu tư.

Ngoài ra, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đã tăng lên mức kỷ lục. Do vậy, điều rất rõ ràng là, trong những năm qua, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã khác và Việt Nam đã gắn kết nhiều hơn với thế giới.

Chúng tôi đã tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều tập đoàn toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và được biết, họ đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư và kinh doanh hấp dẫn trên thế giới.

Họ cũng đã nhận ra sức ảnh hưởng và tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trên thế giới. Cho nên, họ muốn đến đây để tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam và WEF ASEAN 2018 sẽ hội tụ nhiềudoanh nghiệp như vậy.

Nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tham dự Hội nghị WEF ASEAN 2018. Theo quan điểm của ông, trong con mắt của họ, thị trường Việt Nam hấp dẫn như thế nào?

Nói chung là rất hấp dẫn, nhưng còn tùy thuộc vào lĩnh vực và ngành nghề đầu tư của doanh nghiệp. Việt Nam có nhiều ngành hấp dẫn các nhà đầu tư. Một minh chứng sống động là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng mạnh, phản ánh thực tế rằng, nhà đầu tư có nhiều cơ hội làm ăn tại đây.

Chẳng hạn, ngành chế biến - chế tạo có rất nhiều cơ hội đầu tư. Trên thị trường chứng khoán cũng có nhiều cơ hội cho đầu tư tài chính. Về tổng thế, các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Sự kiện WEF ASEAN 2018 quan trọng như thế nào đối với nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác đầu tư và thương mại với nền kinh tế thế giới, thưa ông?

Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, sự kiện này sẽ bàn thảo những vấn đề liên quan đến toàn thể khu vực ASEAN, chứ không chỉ Việt Nam. Dĩ nhiên, Việt Nam là một quốc gia rất quan trọng trong ASEAN.

Tôi tin rằng, việc sự kiện này đưa cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu đến Việt Nam sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam nói về quá trình cải cách của mình và hướng phát triển mới của nền kinh tế, cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Vị thế của Việt Nam đã và đang được cải thiện trên trường quốc tế. Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Cụ thể, Việt Nam đã được nâng hạng trong Chỉ số Cạnh tranh của WEF (tăng 5 điểm lên vị trí 55). Tương tự trong Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tiếp tục được tăng hạng, xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng tới 14 bậc so với năm 2017.

Đó là những minh chứng thể hiện sự cải thiện trong môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Do vậy, tôi cho rằng, Việt Nam có nhiều câu chuyện lớn, tích cực để kể với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và họ sẽ chia sẻ những câu chuyện này với toàn thể thế giới.

Thanh Tùng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục