Lạc quan kịch bản tăng trưởng kinh tế 6,83%

(ĐTCK) Trong 2 kịch bản kinh tế năm 2018 được đưa ra tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã lạc quan dự báo kịch bản tăng trưởng ở mức cao 6,83% có nhiều yếu tố khả thi để hiện thực hóa.
Lạc quan kịch bản tăng trưởng kinh tế 6,83%

Năm 2018, khả năng tăng trưởng cao là khả thi

Theo kịch bản kể trên, VEPR cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP 2018 có thể đạt 6,83%, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Nguyên nhân là một số chỉ tiêu cho thấy, tăng trưởng của nhiều ngành sẽ đạt mức cao, giúp GDP dễ dàng vượt qua mức 6,5%.

Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhờ quán tính tăng trưởng ở mức cao của năm 2017 và 3 năm trở lại đây, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất của Chính phủ trong các quý còn lại, thể hiện ở mức tăng trưởng tương đối cao trong tất cả các khu vực kinh tế, cũng như tại các ngành chủ chốt.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô đảm bảo ổn định, cùng với những cải cách thể chế cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết tâm theo đuổi sẽ là những yếu tố động lực kỳ vọng góp phần phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho các hoạt động kinh doanh năm 2018.

Ở kịch bản thứ hai với điều kiện dự đoán bất lợi và thận trọng hơn của kinh tế thế giới và nội địa, VEPR dự báo mức tăng trưởng thấp hơn, chỉ đạt 6,49%, xấp xỉ mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về lạm phát, dự đoán của VEPR rất đáng chú ý khi cho rằng, năm 2018, mức lạm phát sẽ cao hơn đáng kể so với năm 2017. Theo đó, trong kịch bản GDP tăng trưởng 6,83%, lạm phát cả năm có thể lên tới 4,21%, vượt mục tiêu 4% của Quốc hội. Còn trong kịch bản thấp, với xu thế tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát dự báo ở mức 3,86%.

“Nguy cơ lạm phát vượt mức 4% ở kịch bản cao là hoàn toàn có thể xảy ra khi các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công, cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ gây áp lực lạm phát rất lớn. Chính vì vậy, các cơ quan điều hành cần phải theo sát diễn biến giá cả trong 6 tháng cuối năm để có những biện pháp ứng phó kịp thời”, Phó GS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khuyến nghị.   

Nhận diện thách thức dài hạn

Bên cạnh những dự báo lạc quan, Báo cáo thường niên kinh tế 2018 đã chỉ ra những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế nếu không được giải quyết triệt để sẽ tiếp tục là lực cản lớn đối với nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Trước hết đó là vấn đề tăng năng suất lao động, dù đã được nhắc đến rất nhiều song vẫn chưa thực sự trở thành động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực với khoảng cách ngày càng nới rộng.

Đáng chú ý, nghiên cứu của VEPR cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay ở ba ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải, kho bãi - vốn là những ngành chủ lực dẫn dắt nền kinh tế lại xếp ở vị trí thấp nhất trong tương quan với các nước trong khu vực, thậm chí xếp sau Campuchia. Trong khi đó, năng suất lao động ở các ngành có giá trị gia tăng thấp như khai mỏ, khai khoáng, bất động sản, dịch vụ tài chính... lại cao hơn một số nước trong khu vực.

“Điều này cho thấy, cơ cấu kinh tế Việt Nam chưa được chuyển dịch, nguồn lực đầu tư và nhân lực hầu như vẫn tập trung vào các ngành, lĩnh vực cũ, có giá trị gia tăng thấp, đồng thời quá trình chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp còn chưa thực sự vững chắc. Đây chính là thách thức lớn đối Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu kinh tế để cải thiện tốc độ tăng trưởng”, ông Mark Stanitzki, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann nhận định.

Vấn đề lớn thứ hai là thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao tiếp tục được đánh giá là tồn tại nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Cùng với đó, việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực FDI cũng tạo ra nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh kinh tế 2018 có thể đối mặt với nhiều nguy cơ bất định liên quan tới địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tăng của một số nước lớn.

Mặt khác, những phản ứng chính sách trong quá trình hội nhập của Việt Nam vẫn còn mang tính vội vã, phản ứng đối phó có thể mang lại những tác động tiêu cực đối với hợp tác thương mại dài hạn. Điển hình là việc ban hành Nghị định 116 nhằm đảm bảo nguồn xe nhập khẩu có chất lượng tốt hơn, nhưng thực tế lại bị đánh giá là một hình thức bảo hộ phi thuế quan vội vã gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng, thị trường trong nước, làm dấy lên mối nghi ngờ về lợi ích nhóm.

"Phát triển thị trường nội địa, tạo chỗ dựa vững chắc"

PGS. TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học quốc gia Singapore

Hiện nay, tiềm năng tăng trưởng ở nhiều khu vực của nền kinh tế Việt nam còn rất lớn nhưng cần được nhìn lại một cách tổng thể để có chiến lược tăng trưởng hợp lý trong dài hạn. Có nhiều ngành nên xem xét không tập trung tăng trưởng nhanh về số lượng, thay vào đó cải thiện chất lượng và giá trị như sản xuất gạo, một số ngành sản xuất nông nghiệp giá trị thấp… Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, coi đây là chỗ dựa vững chắc và bền vững cho nền kinh tế trước những rủi ro, biến động của thị trường thế giới. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục