Đánh giá bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2017, CIEM cho rằng năm 2017 được đánh giá là năm tương đối thành công của kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mức mục tiêu 6,7% được đặt ra từ đầu năm.
Trong đó, khu vực công nghiệp- xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với 7,85%; khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản thể hiện sức bật tốt hơn với mức tăng 2,9%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ổn định đạt 7,4%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 đạt 3,53%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra là 4%. Tín dụng tăng trưởng đạt 18,17% và có sự ổn định trong 9 tháng đầu năm và chỉ tăng nhẹ trong quý IV. Thu hút FDI đạt 35,88 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh…
Tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 đạt 6,81%, vượt nhiều dự báo và vượt mục tiêu đặt ra (7%). Kết quả tăng trưởng cả năm 2017 càng ấn tượng hơn sau khi nền kinh tế tăng trưởng tương đối thấp trong Quý I.
Đà phục hồi tăng trưởng trong quý III-IV có một phần quan trọng từ những nỗ lực thực chất nhằm cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.
Chất lượng tăng trưởng ít nhiều đã được cải thiện nhìn từ hiệu quả sử dụng vốn, xuất khẩu và chất lượng tín dụng.
Năm 2017 chứng kiến những nỗ lực mới nhằm triển khai các chủ trương lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những nỗ lực ấy càng trở nên thực chất hơn, sau khi những giải pháp đa dạng nhưng thiếu chiều sâu, thiếu quyết liệt trước đó chưa giúp cải thiện đáng kể chất lượng tăng trưởng cho đến năm 2016.
Hi vọng từ những động lực bên ngoài – như các hiệp định FTA thế hệ mới – đã suy giảm, buộc Chính phủ và các Bộ ngành phải tự thân đổi mới, có động thái tích cực hơn nhằm nuôi dưỡng thị trường và tinh thần doanh nhân. Cùng với những nỗ lực củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và tạo dựng dư địa cho điều hành chính sách tài khóa/tiền tệ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng trực tiếp tới tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí pháp lý không cần thiết cho doanh nghiệp.
Dấu ấn của điều hành và cải cách thể chế kinh tế trong những thành tựu kinh tế - xã hội năm 2017, nhờ đó, thực sự rõ nét.
Tuy nhiên Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra rằng mặc dù nhiều chỉ số quan trọng ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đều tăng điểm và tăng hạng và được các tổ chức quốc tế ghi nhận; song những chuyển biến này còn thiếu tính bền vững: thực tế còn tồn tại nhiều rào cản về môi trường kinh doanh, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng phân tích sự cần thiết và những nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù cho vùng động lực tăng trưởng kinh tế, bao gồm: Mức dư nợ vay của ngân sách; cơ chế ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu; cơ chế đặc thù về vốn đầu tư phát triển trong nước; và cơ chế phân cấp, phân quyền trong quyết định ngân sách...
Hội thảo do CIEM tổ chức
Cũng theo dự đoán của CIEM, diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định; tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức, do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn; trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, Việt Nam có thể phải phòng ngừa rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều, gây áp lực đối với tỷ giá và cán cân thanh toán; rủi ro tụt hậu về công nghệ sẽ lớn hơn nếu không có các hành động cụ thể nhằm đón đầu cơ hội và xử lý thách thức từ cuộc khoa học công nghệ lần thứ tư; và khả năng chống chịu trước các cú sốc bất lợi ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc chủ yếu vào dư địa chính sách tiền tệ, độ quyết liệt trong ứng phó của Việt Nam, gắn với năng lực dự báo và biện pháp ứng xử trong các kịch bản cụ thể.