Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào kinh tế toàn cầu

(ĐTCK) Năm 2018 đã khép lại với những thành công toàn diện của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% Quốc hội đã đặt ra và cao hơn dự báo tăng trưởng mà các tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới đưa ra trước đây ở mức 6,9% và 6,8%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, mặc dù nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.
Hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam và cả khu vực. Hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam và cả khu vực.

Hội nhập và hợp tác có hiệu quả

Ngay từ chuyến thăm và làm việc vào đầu tháng 3/2018, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, ông Takehiko Nakao đã có những nhận định rất tích cực về tình hình và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Lãnh đạo ADB đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo điều hành nền kinh tế tăng trưởng khá ấn tượng và lạm phát vẫn ở mức một con số kể từ năm 2011. Các chính sách điều hành hợp lý giúp giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

 Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam.

Điều khiến cho các nhà kinh tế quan tâm là tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức dưới 14% so với mức 17 - 18% của các năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 12%; công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%.

Đáng ghi nhận là kim ngạch xuất nhập khẩu đã xác lập kỷ lục với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 482,23 tỷ USD. Đồng thời, lần đầu tiên Việt Nam đã xuất siêu trên 7 tỷ USD. Tất cả những điều này cho thấy đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và Việt Nam đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị, cũng như hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế toàn cầu.

Nhìn lại chặng đường hội nhập trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã để lại những dấu mốc quan trọng trong tiến tình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Việt Nam gia nhập Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng vào năm 1992, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực kể từ năm 1998.

Kể từ khi tham gia Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995, mối quan hệ hợp tác khu vực giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên trong ASEAN ngày càng phát triển toàn diện, đem lại những tác động to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Dấu ấn quan trọng nhất là khi Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 sau quá trình đàm phán kéo dài 11 năm. Từ đây, Việt Nam chính thức hội nhập kinh tế toàn cầu theo hướng mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, cải cách theo hướng tự do hóa thương mại như đã cam kết.

Với Việt Nam và các quốc gia thành viên, ASEAN là mô hình hợp tác và hội nhập có hiệu quả, là cầu nối để các quốc gia thành viên hội nhập vào kinh tế quốc tế, đồng thời là cánh cửa mở ra cơ hội cho các nước ASEAN tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đem lại những kết quả tích cực trong việc giảm hàng rào thuế quan, hỗ trợ và tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ xuyên biên giới.

Tuy nhiên, khuôn khổ hợp tác ASEAN nói chung và AEC nói riêng cũng có những thách thức cần phải giải quyết. Những thách thức lớn nhất vẫn là các chính sách cải cách có tính nhạy cảm về chính trị như chính sách về lao động, cạnh tranh hay các vấn đề về sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó còn là những thách thức của ASEAN trong việc rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên mới kết nạp và nhóm 6 quốc gia thành viên ban đầu. AEC cũng phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết khó khăn về việc lao động thiếu hụt các kỹ năng phù hợp để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.

Mặc dù hợp tác trong một khuôn khổ thống nhất, mỗi quốc gia thành viên trong ASEAN có chương trình cải cách của riêng mình. Sự đa dạng của ASEAN mang lại sức mạnh cho khuôn khổ hợp tác và hội nhập này.

AEC cho phép khối ASEAN huy động và tận dụng được nguồn tài nguyên phong phú, những lợi thế cạnh tranh về địa kinh tế, những yếu tố sản xuất đặc thù và nguồn nhân lực đa dạng, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đang tăng lên và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Những số liệu thống kê đã khẳng định, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho cả khu vực. Với Việt Nam, mở cửa thị trường thương mại và đầu tư quốc tế đã giúp cho kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2017 vượt ngưỡng 400 tỷ USD và tương đương gần 185% GDP, tạo tiền đề để xuất nhập khẩu đạt các mức cao hơn trong những năm sau đó. Năm 2018, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 482 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đón nhận dòng vốn cao kỷ lục trong năm 2017, hơn 35 tỷ USD, tăng gần 45% so với năm 2016 và duy trì mức cao trong năm 2018.

Tăng trưởng kinh tế cao đã giúp Việt Nam đạt được thành quả đáng khâm phục trong công cuộc xóa nghèo, với khoảng 70% dân số được đánh giá là đảm bảo về kinh tế, trong đó khoảng 13% được xếp vào tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Có được những thành tựu này một phần là do cải cách cơ cấu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại hay đơn giản hóa các thủ tục đầu tư đã được tiến hành tương đối nhanh chóng. Ví dụ, cổng điện tử một cửa quốc gia được xây dựng từ những năm 2005 và đã được triển khai rộng rãi trong giai đoạn 2013 - 2016, đem lại những kết quả đáng khích lệ với việc thử nghiệm kết nối kỹ thuật giữa ba cơ quan là Bộ Tài chính với đầu mối là Tổng cục Hải quan, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương.

Nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể nắm bắt những cơ hội và gặt hái những thành quả của hội nhập kinh tế quốc tế. Khoảng cách phát triển ở Việt Nam với các nước trong khu vực có thể được thu hẹp hơn. Nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc nhận thức rõ về sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách trong nước nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa.

Nền kinh tế mở cũng phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng tăng với các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt hơn, các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với áp lực thương mại lớn hơn. Những ngành có năng suất thấp như nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Để tận dụng tốt các cơ hội đến từ hội nhập, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và năng suất toàn cầu để các công ty có thể cạnh tranh ở các thị trường mới. Chính phủ cần tiến hành nhiều biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ nhằm tạo ra một nền kinh tế năng suất cao và đổi mới hơn để dễ dàng thích ứng với cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng. Cần phải có một loạt hành động chính sách phối hợp, bao gồm cải cách nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Trong bối cảnh nền kinh tế, thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hài hòa các kênh để hội nhập.

Các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, cùng với các hiệp định thương mại tự do khác nhau với ASEAN, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ có thể tạo ra sự khác biệt, nếu như hài hòa được lợi ích và thách thức của những khuôn khổ hợp tác này để ngăn chặn những diễn biến không mong đợi.

Cơ hội đã mở ra và Việt Nam có những bước đệm quan trọng để thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ trong tiến trình hội nhập. Là đối tác tin cậy, ADB sẽ tiếp tục sát cánh hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh chương trình cải cách nhằm phát triển một nền kinh tế thị trường năng động hơn, có thể cạnh tranh toàn cầu và mang lại sự tăng trưởng bền vững, công bằng trong dài hạn, đồng thời tạo nền tảng vững chắc hơn để Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục