Thành viên tích cực của nhiều sáng kiến tài chính toàn cầu
Hội nhập quốc tế không thể thiếu sự tham gia vào các sáng kiến tài chính quốc tế. Với tư duy hợp tác tích cực, cập nhật và bắt kịp những xu hướng phát triển mới nhất, tinh hoa nhất của thời đại, UBCK cùng với các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã và đang tham gia mạnh mẽ vào nhiều sáng kiến tài chính quan trọng trên thế giới, tiêu biểu là Sáng kiến Tài chính xanh với sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Sáng kiến Quản trị công ty trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Sáng kiến các Sở Giao dịch chứng khoán bền vững…
Trong khuôn khổ khu vực, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thông qua Bộ Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN năm 2017, và gần đây nhất là 2 Bộ Tiêu chuẩn Trái phiếu Xã hội ASEAN và Tiêu chuẩn Trái phiếu Bền vững ASEAN vào tháng 10/2018. Đây là 3 sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường vốn ASEAN liên kết và bền vững.
Nhiều cuộc xúc tiến đầu tư đã được tổ chức tại các nền kinh tế phát triển để thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp vào Việt Nam
Năm 2015, UBCK đã phối hợp với OECD tổ chức Hội nghị tham vấn Sáng kiến Quản trị công ty khu vực Đông Nam Á lần thứ hai tại Hà Nội. Việt Nam sẽ tiếp tục đăng cai Hội nghị bàn tròn Quản trị Công ty khu vực châu Á vào năm 2019. Việc tham gia và áp dụng các hướng dẫn, thông lệ tốt của quốc tế trong khuôn khổ các sáng kiến trên đã góp phần đưa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại hơn, bền vững hơn.
Thực hiện cam kết hội nhập trong các hiệp định đa ngành, đa lĩnh vực
Là một bộ phận quan trọng của thị trường tài chính nói riêng và của cả nền kinh tế quốc dân nói chung, trong thời gian qua, TTCK Việt Nam đã chủ động và tích cực hòa mình vào xu hướng hội nhập chung của cả nước, thông qua các cam kết hội nhập trong lĩnh vực chứng khoán tại các hiệp định đa phương lớn như Hiệp định chung về thương mại, dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), cùng hàng loạt các hiệp định với các đối tác lớn đang trong quá trình đàm phán như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), các cam kết trong khuôn khổ hội nhập thị trường chung ASEAN…
Quá trình hội nhập khu vực và mở cửa thị trường sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài
Việc tham gia vào các thỏa thuận hội nhập quốc tế đồng nghĩa với việc Việt Nam có nghĩa vụ chấp thuận những quy tắc chung, cam kết tự do hóa, mở cửa thị trường các lĩnh vực có cam kết, trong đó có lĩnh vực dịch vụ tài chính, chứng khoán.
Điều này giúp thúc đẩy TTCK trong nước ngày càng phát triển theo hướng hội nhập sâu rộng hơn, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng tạo ra những thách thức phải đáp ứng được các tiêu chuẩn có chất lượng ngày càng cao theo các cam kết quốc tế. Việc đạt được các chuẩn mực quốc tế vừa là yêu cầu của quá trình hội nhập, vừa là một trong những lợi ích mà hội nhập có thể đem đến cho TTCK.
Tăng cường hội nhập với các nước trong khu vực
Trong công tác hội nhập thị trường vốn khu vực, TTCK Việt Nam là thành viên tích cực và là một phần không thể thiếu của Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN (ACMF). Trong khuôn khổ đó, các hoạt động hội nhập liên quan đến lĩnh vực chứng khoán tập trung vào các sáng kiến nhằm tiến tới xây dựng một thị trường vốn hội nhập cao hơn trong ASEAN, gồm các sáng kiến liên quan tới: kết nối TTCK, tiếp cận TTCK và tính thanh khoản của TTCK.
Về phía cơ quan quản lý, hiện UBCK là thành viên của các nhóm công tác về các sáng kiến của ACMF, bao gồm: Sáng kiến Khung đánh giá tinh giản cho Bản cáo bạch chung ASEAN, Sáng kiến về giải quyết tranh chấp và cưỡng chế thực thi, Kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở thị trường vốn ASEAN (ACMI Blueprint)…
Đặc biệt, Việt Nam là một thành viên tích cực của Sáng kiến Quản trị công ty ASEAN. Việt Nam đã tích cực tham gia vào chương trình Báo cáo Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN, từ đó giúp cải thiện và nâng cao chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam trong thời gian qua.
Đối với những sáng kiến do ACMF đề xuất còn chưa phù hợp với thị trường vốn Việt Nam, UBCK vẫn tham gia với vai trò quan sát (như Sáng kiến Quỹ đầu tư tập thể ASEAN), hoặc tham gia vào quá trình hài hòa hóa các nội dung của sáng kiến để nâng cao cơ hội hội nhập sâu rộng hơn của Việt Nam vào thị trường vốn khu vực.
Bên cạnh đó, với hoạt động quảng bá thị trường vốn ASEAN, các Sở Giao dịch chứng khoán của Việt Nam đã tích cực tham gia cùng các Sở Giao dịch chứng khoán khu vực khai trương trang web chung ASEAN, bao gồm các nội dung giới thiệu về 7 Sở ASEAN, 30 cổ phiếu lớn có mức thanh khoản cao của mỗi quốc gia ASEAN, chỉ số chứng khoán các thị trường ASEAN và nhiều thông tin phân tích chuyên sâu về TTCK các quốc gia ASEAN. Ngoài ra, Sở Giao dịch chứng khoán của Việt Nam cũng tích cực tham gia vào việc xây dựng các bộ chỉ số chung cho TTCK ASEAN như: Bộ chỉ số FTSE ASEAN Indices (năm 2005), hợp tác phát triển chỉ số ASEAN MSCI Indices…
Việc tham gia tích cực vào các sáng kiến khu vực giúp cho TTCK Việt Nam tăng cường mức độ hội nhập ngày càng sâu hơn và thực chất hơn, tiến tới mở cửa thị trường và góp phần xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN thực thụ, đồng thời từng bước thu hẹp và xóa bỏ dần khoảng cách phát triển giữa thị trường vốn các nước trong khu vực, hướng tới sự phát triển bền vững của ASEAN.
Ký kết hơn 40 biên bản ghi nhớ song phương
Tính đến nay, UBCK đã ký kết Biên bản ghi nhớ (BBGN) song phương với hơn 40 cơ quan hợp tác phát triển, quản lý và vận hành TTCK trên thế giới như: Uỷ ban Giám sát tài chính Hàn Quốc (2002), Cục Hợp tác kinh tế Thụy Sĩ (2003), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (2005), Uỷ ban Chứng khoán Thái Lan (2006), Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (2006), Uỷ ban Chứng khoán Malaysia (2007), Cơ quan Giám sát tài chính Vương quốc Anh (2008), Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông (2009), Ủy ban Chứng khoán Lào (2011), Ủy ban Giám sát tài chính Luých-xăm-bua (2013)…
Nội dung chủ yếu đề cập tại các biên bản ghi nhớ tập trung vào chia sẻ thông tin quản lý, giám sát TTCK, thiết lập cơ chế trao đổi song phương thường xuyên và định kỳ, tăng cường năng lực cán bộ thực thi, thực hiện các nghiên cứu, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật liên quan tới phát triển TTCK.
Việc ký kết BBGN với các cơ quan quản lý trên TTCK trong khu vực và trên thế giới tạo điều kiện cho UBCKNN trong công tác cung cấp thông tin theo yêu cầu của phía bạn trong phạm vi cho phép của cam kết tại BBGN cũng như phạm vi cho phép của pháp luật Việt Nam để hỗ trợ điều tra cho các cơ quan liên quan về nhiều vụ việc vi phạm trên TTCK.
Điều này vừa giúp UBCKNN có cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm chuyên ngành liên quan, vừa giúp hai bên có cơ hội trao đổi thông tin chính thống và kịp thời nhằm xây dựng thị trường chứng khoán của hai bên hoạt động minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác hỗ trợ kỹ thuật trong hoạt động nghiệp vụ. Trong đó, nhiều hoạt động hợp tác song phương đã được triển khai hiệu quả, tiêu biểu nhất là các hoạt động với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào…
Không dừng lại ở hình thức tiếp nhận hỗ trợ từ các đối tác, trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động hơn trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho các thị trường mới phát triển trong khu vực, phát huy được vai trò và vị thế của Việt Nam với các bạn bè láng giềng truyền thống.
Thúc đẩy hợp tác đa phương với các cơ quan quản lý TTCK quốc tế
Sau một thời gian dài nỗ lực hoàn thiện các thủ tục và yêu cầu pháp lý chặt chẽ và phức tạp, tháng 9/2013, UBCK đã chính thức được ký kết Phụ lục A Biên bản Ghi nhớ đa phương của Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán (MMoU IOSCO), trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này.
Đây là một cột mốc hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của ngành chứng khoán Việt Nam. Sự tham gia của UBCK với IOSCO trong khuôn khổ MMoU này giúp thiết lập cơ chế hợp tác, hỗ trợ, trao đổi thông tin giữa Việt Nam với cơ quan quản lý TTCK các nước trên thế giới.
Việt Nam đã tham dự chủ động, tích cực với vị thế mới tại các cuộc họp thường niên của IOSCO cũng như trong các tiểu ban khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC), Tiểu ban các thị trường mới nổi và tăng trưởng (GEMC). Các vấn đề về công nghệ tài chính mới và các vấn đề liên quan đến lợi ích/ vi phạm xuyên biên giới, cũng như việc nâng cao năng lực cán bộ là những nội dung UBCKNN được hưởng lợi khi tham gia một cách tích cực trong khuôn khổ hợp tác IOSCO.
Thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện MMoU IOSCO, danh tiếng và mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, đồng thời tăng cường khả năng hấp dẫn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường cơ chế tham vấn các nước thành viên đối với các vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam tận dụng được những kinh nghiệm về quản lý, tiết kiệm thời gian và nhân lực trên cơ sở kế thừa thành tựu khoa học của các nước đi trước; tăng khả năng thu hút đầu tư và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài
Để quảng bá TTCK Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, UBCK đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại các quốc gia có thị trường tài chính lớn mạnh hàng đầu trên thế giới như: Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (tháng 4/2014), Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ (tháng 7/2015), Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (tháng 8/2017); Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc (tháng 4/2018), thu hút sự quan tâm ngày một lớn của các nhà đầu tư quốc tế. Cùng với đó là các cuộc tiếp xúc, làm việc song phương và đa phương nhằm tạo ra kênh thông tin chính thức quảng bá về thị trường vốn Việt Nam tới các nhà đầu tư quốc tế.
Quá trình hội nhập khu vực và mở cửa thị trường sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua TTCK. Trên thực tế, với sự khuyến khích của Chính phủ nới lỏng các điều kiện thủ tục cho NĐTNN, làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam gia tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước đã gia tăng đáng kể. Các chính sách mới đây của Việt Nam như việc thông qua các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản…, việc nới rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty đại chúng trên TTCK sẽ góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam.
Với triển vọng tích cực của nền kinh tế vĩ mô cùng sự phát triển ngày càng ổn định, chất lượng nghiệp vụ ngày một nâng cao và chính sách mở cửa, tạo điều kiện đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ là một điểm đến thực sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Sau gần 20 năm mở cửa hoạt động, TTCK Việt Nam đã vượt qua các thách thức, tạo dựng được một cơ sở nền tảng cơ bản, vững chắc, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Việc tham gia sâu sắc hơn nữa vào quá trình hội nhập sẽ giúp TTCK Việt Nam tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo sự phát triển của TTCK công bằng công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng là một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả của nền kinh tế. Đây vừa là yêu cầu của quá trình hội nhập nhưng cũng vừa là một trong những lợi ích mà hội nhập có thể đem đến cho TTCK Việt Nam.