“Chúng ta yêu cầu nước ngoài ăn quả thanh long, vải, gạo, uống cà phê, mặc quần áo, đi giày… của Việt Nam, nhưng lại không đồng ý cho họ bán con gà, cân thịt lợn, thịt bò trên đất mình, thì đó là là chuyện hết sức buồn cười. Nên mọi người, nhất là báo chí cần cởi mở hơn với doanh nghiệp quốc tế khi họ đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh”, ông Khánh nói.
Lời nhắn nhủ đó không khó hiểu khi Việt Nam đã có 23 năm hội nhập kể từ khi vào Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), các diễn đàn Á - Âu (ASEM), châu Á - Thái Bình Dương (APEC) rồi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho đến các FTA rộng hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn với EU, Liên minh Á - Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA)…
Song, dư luận xã hội vẫn tồn tại nhiều tâm tư lạc quan quá mức, tưởng như nhờ hội nhập nước ta sẽ sớm hóa rồng hoặc lại rơi vào trạng thái trái ngược, với những băn khoăn, lo lắng thái quá như mọi thứ sắp bị bóp nghẹt tới nơi.
Trong khi đó, những công việc chuẩn bị cụ thể để đón cơ hội và ứng phó với thách thức lại khá thiếu vắng. Các doanh nghiệp còn thiếu thông tin, các bộ, ban, ngành chưa cởi mở chia sẻ thông tin, báo chí thì có những bài viết thiếu khách quan…
Những thông tin về hội nhập luôn là mảng đề tài ưu tiên của báo chí, từ những năm 1994, thời điểm Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, đến gia nhập WTO, rồi CPTPP.
Trong sân chơi đó, Báo Đầu tư với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, thì ngoài những tin tức liên quan đến đầu tư được coi là “đặc sản” của Báo, còn phải có thêm những bài phân tích, bình luận trực diện về các vấn đề thương mại và hội nhập.
Trong đó có thể kể đến một số loạt bài như: Bão nổi trên thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam (giải B, Giải Báo chí quốc gia 2015); Trận đánh lớn mang tên FTA (giải A, Giải Báo chí quốc gia 2016; Xoay chuyển cuộc chơi với “vũ khí” phòng vệ thương mại (giải A, Giải Báo chí 65 năm Ngành Công thương Việt Nam năm 2016)…
Viết những bài báo có thể “đứng” được trên những tờ báo chuyên về kinh tế đã khó, viết về vấn đề thương mại, hội nhập lại càng khó. Với những đòi hỏi khắt khe của tờ báo, khai thác được những đề tài có tính riêng biệt, người phóng viên bắt buộc phải tự nâng cao trình độ và xây dựng những mối quan hệ đặc thù.
Tất nhiên, với nghề nào cũng vậy, song điểm mấu chốt với nghề này, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, mọi việc vẫn phải được xoay quanh 4 câu hỏi: Hội nhập kinh tế quốc tế là gì? Tại sao phải hội nhập? Vị trí của hội nhập trong sự phát triển của đất nước như thế nào? Điều kiện cần có khi hội nhập là gì?
Điều này đặc biệt quan trọng khi từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế như Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021;
Hoàn tất các cam kết quốc tế lớn, trong đó có các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2018; Ký kết, phê chuẩn và triển khai nhiều FTA thế hệ mới, với mức độ hội nhập sâu hơn, trên những lĩnh vực rộng hơn.
Việc liên tục tung ra các bài viết phân tích sâu về thông tin hội nhập, câu chuyện làm ăn, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ góp phần vào việc nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của cả xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các hiệp định FTA.
Hoạt động của khối báo chí Việt Nam, tất nhiên phải vì lợi ích của người Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, thì những thông tin cởi mở để các đối tác thương mại, các nhà đầu tư trên thế giới hiểu rằng, Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập và đối xử công bằng;
Cũng như thực thi các cam kết hội nhập nghiêm túc nhất… gần như đã trở thành nhiệm vụ trọng yếu của một tờ báo chính thống và có quan điểm nghiêm túc chuyên về lĩnh vực kinh tế như Báo Đầu tư.