Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia AEC

(ĐTCK-online)Việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, là một đề tài khá “nóng” hiện nay. Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) về mô hình kinh tế này.
Ông Bùi Huy Sơn. Ông Bùi Huy Sơn.

  Xin ông giới thiệu đôi nét về AEC?

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 (11/2002), Thủ tướng Singapore lúc bấy giờ, ông Goh Chok Tong đã đưa ra ý tưởng về AEC. Ý tưởng này đã được chính thức đưa ra và thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9 tổ chức tại Bali ( Indonesia ). Theo đó, AEC sẽ hướng các nước ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và thị trường thống nhất.

Việc đưa ra và thực hiện ý tưởng AEC là quyết định quan trọng, giúp ASEAN nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các sáng kiến đã có nhằm hướng tới mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực sâu sắc hơn. Nhờ vậy, sức cạnh tranh và vị thế của khu vực sẽ được cải thiện.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 (tháng 1/2007) đã nhất trí đẩy nhanh thời hạn mục tiêu thực hiện Cộng đồng ASEAN, trong đó có AEC, vào năm 2015 - sớm 5 năm so với Tuyên bố Bali II. ASEAN đang dự thảo Kế hoạch tổng thể và Lộ trình chiến lược thực hiện AEC. Dự kiến, các văn kiện này sẽ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 tổ chức tại Singapore vào tháng 11/2007.

 

Đâu là những lợi ích cơ bản đối với Việt Nam khi AEC được thành lập, thưa ông?

Với AEC, các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, sẽ liên kết chặt chẽ hơn, mạng lưới tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm ở quy mô khu vực sẽ phát triển sâu rộng hơn. Đồng thời, AEC sẽ góp phần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, đầu tư, cơ cấu xuất nhập khẩu và nâng cao năng lực cũng như tầm hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, AEC còn tạo cơ hội tiếp cận thị trường các nước đối tác, đặc biệt là các đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu, như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc. Như vậy, người lao động sẽ được hưởng lợi từ những lợi ích kể trên của AEC thể hiện qua cơ hội phát triển kinh doanh, tạo thêm việc làm... Trong khi đó, trong một thị trường hội nhập sâu sắc, người tiêu dùng sẽ có nhiều hàng hóa để lựa chọn, với giá cả và dịch vụ cạnh tranh hơn.

 

Là một nước đang phát triển với khả năng cạnh tranh chưa cao, việc tham gia AEC liệu có “quá sức” đối với Việt Nam ?

AEC là bước đi tiếp theo tất yếu trong tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN. Về cơ bản, AEC dựa trên các sáng kiến hội nhập kinh tế mà ASEAN đã và đang triển khai nhiều năm qua. Hơn nữa, cách tiếp cận của ASEAN là từng bước, không gây đột biến, phù hợp với trình độ phát triển, khả năng thực thi và hấp thụ của các thành viên. Với cách tiếp cận linh hoạt như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia AEC. Ở một mức độ nhất định, những đòi hỏi của tiến trình hội nhập và sức ép cạnh tranh từ bên ngoài là “cú huých” cần thiết để thúc đẩy quá trình cải cách cơ cấu, phát triển kinh tế trong nước.

 

Ông đánh giá thế nào về tác động của AEC tới dòng vốn đầu tư nước ngoài?

Một trong những lợi ích quan trọng của AEC là thu hút đầu tư nước ngoài vào ASEAN. Thực tế cho thấy, sự thống nhất, năng động và cởi mở đã đưa ASEAN trở thành một trong những khu vực thu hút đầu tư thành công.

Đối với Việt Nam , luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2004, tổng vốn FDI (cả cấp mới và tăng thêm) đã tăng từ 4,1 tỷ USD năm 2004, lên 5,8 tỷ USD năm 2005 và 10,2 tỷ USD năm 2006. Với những chính sách mở cửa và linh hoạt, hy vọng, Việt Nam sẽ vẫn được đánh giá là điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài, góp phần tạo tiềm lực kinh tế mạnh và nâng cao vị thế trong khối.

Các lợi ích mà AEC mang lại sẽ cộng hưởng với những chính sách cải cách, mở cửa trong các diễn đàn khác tạo ra sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế Việt Nam . Chúng ta có thể lạc quan vào khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam trong tiến trình hướng tới AEC.

Bình Châu thực hiện.
Bình Châu thực hiện.

Tin cùng chuyên mục