Tăng trưởng trung bình 7% giai đoạn 2021 - 2025 là khả thi
Ông Petri Deryng - nhà quản lý Quỹ PYN Elite
Hiện tại, các số liệu chưa được công bố đầy đủ, nhưng một số tín hiệu cho thấy, các ngành công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng và điều này sẽ thể hiện rõ hơn trong vài tháng tới.Ðại dịch Covid-19 khiến lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ chịu tác động lớn, tuy nhiên, lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 40% GDP Việt Nam (con số này tại Mỹ là gần 80%).
Chúng tôi dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 3% trong năm nay, nhưng năm 2021 sẽ ở mức 7%. Mức tăng mạnh năm 2021 xuất phát từ nền tảng năm 2020. Việt Nam công bố mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình 7% giai đoạn 2021 - 2025, theo tôi, con số này khá thực tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá thấp hơn 36% so với cách đây 2 năm. Thị trường đã giảm 18,8% về điểm số kể từ đầu năm tới nay.
Trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư nước ngoài có động thái tháo chạy khỏi các tài sản tại Việt Nam, với mức bán ròng của khối ngoại lên tới 564 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều khả năng nhu cầu của khối ngoại sẽ quay trở lại trong vài tháng tới.
Chúng tôi cho rằng, sự hoảng loạn và đà bán tháo trong tháng 3 sẽ không quay trở lại thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, triển vọng của thị trường trong vài năm tới đã biến đổi lớn với định giá ở mức hiện tại, màn biểu diễn trong quá khứ và mỗi lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Ðó là lý do từ bây giờ cho tới hết năm, cũng như trong vài năm tới, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh của các cổ phiếu, thay vì lao dốc hàng loạt như trong tháng 3.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã công bố các gói nới lỏng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là tại lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ. Chính phủ cũng thúc đẩy hoạt động đầu tư công, với các dự án như metro, cao tốc, sân bay mới… Ðây đều là những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp.
Việt Nam sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng
Ông Muhammad Shamoon Tariq - Giám đốc đầu tư Tundra Vietnam Fund
Với tôi, Việt Nam là một quốc gia nổi bật với mọi dấu hiệu đều hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn. FDI ổn định, tăng trưởng du lịch và chi tiêu từ tầng lớp trung lưu sẽ tạo nền tảng vững vàng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Tôi có góc nhìn tích cực với thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, dù trong ngắn hạn, Covid-19 đang đóng vai trò “điều khiển” trực tiếp diễn biến thị trường trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trong thế giới hậu Covid-19, Việt Nam sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, tôi cảm nhận thị trường chứng khoán sẽ chưa thể vượt qua 100% do thiếu nhiều cổ phiếu tốt để đầu tư, thiếu thanh khoản do có ít cổ phiếu hấp dẫn, bị chi phối bởi các cổ phiếu bất động sản và tài chính đắt đỏ, trong khi thiếu đại diện của các lĩnh vực công nghiệp, tiêu dùng và sản xuất. Cùng với đó là sự cải tổ chậm của nền tảng thị trường.
2020 là một năm khó khăn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Tôi nhận thấy những dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế trong nửa đầu năm, trong khi đà phục hồi có thể bắt đầu từ nửa sau.
Dự báo, không ít doanh nghiệp nhỏ, công ty sử dụng đòn bẩy lớn có thể ngừng hoạt động, hoặc chỉ sống sót nếu nhận được gói cứu trợ của Chính phủ.
Ngành du lịch có thể duy trì tình trạng sa sút trong 12 tháng tới. Doanh số bán bất động sản sẽ chậm lại, bởi thu nhập của người dân giảm do chịu tác động của đại dịch.
Hiện tại, còn quá sớm để nhận định về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm nay. Ðiều này phụ thuộc vào việc hoạt động trở lại của nền kinh tế sau giãn cách xã hội.
Ngoài lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, hầu hết lĩnh vực khác có thể sẽ chứng kiến lợi nhuận năm 2020 giảm 25 - 40%, thậm chí nhiều hơn nếu tình trạng giãn cách tái xuất hiện và kéo dài sang nửa cuối năm.
Tính hấp dẫn của Việt Nam được giữ vững
Ông Andy Ho - Giám đốc Đầu tư, Michael Kokalari - Kinh tế trưởng và Ismael Pili - Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của VinaCapital
Xuất khẩu của Việt Nam tương đương 100% GDP, so với tỷ lệ trung bình khoảng 36% tại Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được bán tại thị trường phát triển (riêng xuất khẩu sang Mỹ đã chiếm gần 1/4 tổng xuất khẩu của Việt Nam).
Bên cạnh đó, ngành du lịch có đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi lượng khách du lịch nước ngoài đông đảo, tương đương gần 20% dân số trong những năm gần đây.
Ðiều này đồng nghĩa với việc một số lĩnh vực kinh tế của Việt Nam gắn liền với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chịu tổn thất nặng nề trong năm nay.
Nhà kinh tế Robert Barro tại Trường đại học Harvard, người từng có nghiên cứu về tác động của dịch cúm Tây Ban Nha 1918 tới nền kinh tế mới đây nhận định, các nền kinh tế phát triển nhiều khả năng sẽ tăng trưởng âm 4 - 6% trong năm nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế phát triển năm 2020 ở mức -6%.
Tin tốt là tăng trưởng kinh tế Việt Nam và sự ổn định kinh tế vĩ mô ở vị thế vững vàng trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Chúng tôi kỳ vọng, các lĩnh vực ít liên hệ với thị trường nước ngoài sẽ có hiệu quả hoạt động tốt hơn trong năm nay.
Hiển nhiên, nhu cầu đối với ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng như trên thế giới là rất lớn.
Chúng tôi kỳ vọng, Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP bằng việc gia tăng chi tiêu cho hạ tầng cơ sở, từ đó cổ vũ hoạt động xây dựng và tạo điều kiện cho nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Chúng tôi cũng để ý rằng, nhiều khách hàng tiêu dùng tầng lớp trung lưu đang theo dõi sát sao các thị trường bất động sản hạng trung (giá khoảng 1.300 USD/m2) xem có sự điều chỉnh nào không, với mong muốn mua bất động sản ở mức giá hợp lý hơn.
Vì lý do này, chúng tôi tin rằng, lĩnh vực bất động sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nếu Chính phủ có các bước đi cần thiết để “rã đông” các hoạt động thị trường như sớm chấp thuận các dự án, nới lỏng quy định tại một số khu vực.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu và tạo tác động như một sự kiện “thiên nga đen”, chúng tôi tin rằng, cấu trúc và tính hấp dẫn bấy lâu của Việt Nam vẫn được giữ vững.
Thực tế, có thể xem rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi hậu Covid-19, khi các doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng di dời hoạt động sản xuất, tái cơ cấu hệ thống nhà xưởng rời khỏi Trung Quốc.
Sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài thậm vào Việt Nam có thể còn mạnh mẽ hơn bởi Chính phủ đã đối phó rất tốt với đại dịch, điều không phải quốc gia nào cũng làm được.
Triển vọng của thị trường xuất hiện một cách rõ rệt và xuyên suốt tại nhiều lĩnh vực, được thể hiện ở nhiều con số, từ tỷ lệ vay tiêu dùng thấp, tỷ lệ sở hữu nhà, ô tô, tỷ lệ đô thị hóa thấp hay các kết cấu bán lẻ hiện đại chưa thực sự phát triển…
Tình trạng giãn cách xã hội vì dịch bệnh chỉ tạm thời làm gián đoạn nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ có liên quan tới các yếu tố kể trên.
Ðiều này khiến Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tại Ðông Nam Á, nếu không muốn nói là châu Á, chứng kiến xu hướng tiêu dùng hồi phục nhanh chóng khi các hoạt động bình thường trở lại.
Ðáng chú ý, dù hoạt động thương mại, thu hút đầu tư gây sự chú ý tại thị trường Việt Nam, nhưng thực tế, tiêu dùng cá nhân chiếm tới 67% động lực tăng trưởng GDP và chủ yếu xuất phát từ tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập hộ gia đình và dòng tiền kiều hối ổn định.
Mặc dù thị trường nội địa duy trì sức mạnh, các lĩnh vực phụ thuộc vào nhu cầu tại thị trường toàn cầu có thể trong tình trạng uể oải cho tới khi đại dịch được giải quyết.
Do đó, những công ty có mối liên hệ mật thiết với các thị trường quốc tế có thể không có hiệu quả hoạt động tích cực khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Các hành động cổ vũ của Chính phủ (cả về chính sách tiền tệ và tài khóa) có thể hỗ trợ nhiều công ty bị tác động trong dài hạn, dù không phải mọi lĩnh vực đều có thể hồi phục hoàn toàn.
Trong bối cảnh này, việc tập trung hạn chế chi phí là cần thiết. Ðối với nhiều công ty, lời khuyên của Bear Grylls “ứng biến, thích nghi, vượt qua” cần được lưu ý.
Các công ty có thể giảm chi phí điều hành cũng như chi phí lao động. Doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi hoạt động sản xuất có thể thử nghiệm (như Vingroup sản xuất máy thở thay vì ô tô, hoặc công ty du lịch có thể bán các sản phẩm khác, hay phục vụ việc vận chuyển đồ ăn).
Các công ty có thể sử dụng các chiến lược marketing sáng tạo hơn như sử dụng các hoạt động khuyến mãi chi phí thấp (thay vì quảng cáo trên truyền hình), bán hàng theo gói (chẳng hạn, Vietjet đang bán vé trả trước cho mọi chuyến bay trong thời gian 6 tháng).
Từ góc nhìn của chúng tôi, doanh nghiệp Việt Nam không ở vị thế ngặt nghèo như doanh nghiệp tại các quốc gia khác dù cũng ở trong tình cảnh giãn cách xã hội và tạm thời đóng băng một số hoạt động thương mại.
Sự hỗ trợ của Chính phủ phần nào hạn chế các tác động từ đại dịch và nhu cầu nội địa sẽ sớm khởi sắc.
Một yếu tố không thể lường trước được là diễn biến của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu có thể tác động tới nhu cầu với sản phẩm và dịch vụ do Việt Nam cung cấp.
Tuy nhiên, cú sốc này xảy ra cũng giúp các doanh nghiệp tự nhìn nhận lại vị thế tài chính, cũng như việc tổ chức hoạt động hiện tại. Ðiều này sẽ giúp doanh nghiệp ở tình trạng tốt hơn trong thế giới hậu đại dịch.