Sau đây là các thông tin bất động sản nổi bật trong tuần
Việt Nam đứng thứ 49/89 trong bảng xếp hạng minh bạch bất động sản
Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) mới đây đã công bố báo cáo chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu 2024 (GRETI). Trong tổng số 89 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 49 với 3,25 điểm, xếp loại “bán minh bạch".
Bảng xếp hạng chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu 2024 của JLL. |
Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã góp mặt trong bảng xếp hạng là Thái Lan với 2,53 điểm, xếp thứ 32 toàn cầu. Malaysia bám sát với 2,57 điểm, xếp thứ 33. Indonesia đứng thứ 40 với 2,81 điểm và Philippines có 2,95 điểm, đứng thứ 45.
Trên toàn cầu, Ấn Độ là quốc gia cải thiện tính minh bạch hàng đầu, với phạm vi dữ liệu rộng lớn và chất lượng cao hơn trên khắp các lĩnh vực bất động sản, từ công nghiệp đến trung tâm dữ liệu.
Nhật Bản, Úc, các thành phố lớn tại Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út cũng chứng kiến sự tiến bộ vào năm 2024. Ngược lại, khu vực Châu Phi cận Sahara lại không chứng kiến nhiều thay đổi về tính minh bạch, mặc dù một số dấu hiệu cải thiện đã xuất hiện ở Kenya, Nigeria và Ghana.
Chưa phát hiện sai phạm trong đấu giá đất Thanh Oai và Hoài Đức
Trong cuộc họp báo phổ biến các quy định trong Luật Đất đai 2024, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thêm các thông tin liên quan đến công tác kiểm tra hai phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Cụ thể, theo ông Chu An Trường, Phó cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, đoàn kiểm tra bước đầu nhận định, 2 cuộc đấu giá trên được chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo rất sát sao. Quá trình tổ chức thực hiện có sự giám sát của nhiều cơ quan, trong đó có sự tham gia của lực lượng công an.
Môi giới viên tìm khách bán chênh các lô đất đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Vũ |
Ông Trường cũng cho biết thêm, hiện đoàn kiểm tra cần xem xét những vấn đề liên quan đến căn cứ tiến hành đấu giá, căn cứ xác định giá đất khởi điểm và phương án đấu giá. Các cán bộ của đoàn đã tiếp nhận một khối lượng hồ sơ rất lớn và đang trong quá trình xem xét, đánh giá vấn đề.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, hiện nay, chưa có kết luận về việc có kẽ hở hay sai phạm trong quá trình đấu giá tại Thanh Oai và Hoài Đức. Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn đang tiếp tục rà soát, nếu phát hiện sai phạm sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền phương án xử lý.
Vào đầu tháng 8/2024, huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá 68 lô đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Trong đó, một lô đất đã có giá trúng lên đến 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm.
Sau đó, huyện Hoài Đức cũng đã tổ chức phiên đấu giá 19 lô đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Lô đất được trả giá cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.
Vào ngày 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất. Ngay sau chỉ đạo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập đoàn kiểm tra việc thực hiện, tổ chức đấu giá đất tại huyện Hoài Đức và huyện Thanh Oai.Huyện Thanh Oai tiếp tục dừng đấu giá đất, trả lại tiền
Đây không phải là lần đầu huyện Thanh Oai lùi lịch đấu giá 57 lô đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương. Theo công bố trước đó, buổi đấu giá được thay đổi lịch tổ chức từ ngày 17/8 sang ngày 8/9. Tuy nhiên, hiện lô đất này lại tiếp tục bị dời lịch đấu giá.
Cụ thể, Công ty đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam đã thông báo tạm dừng tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng 57 thửa đất (đợt 1) tại khu vực xã Cao Dương, huyện Thanh Oai. Nguyên nhân xuất phát từ việc UBND huyện Thanh Oai đã có công văn về việc tạm dừng tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đối với 114 thửa đất trên địa bàn xã.
Theo kế hoạch, 114 lô đất trên sẽ chia làm 2 phiên đấu giá, mỗi phiên có 57 lô. Các thửa đất vừa bị dời lịch tổ chức thuộc phiên đấu giá đợt 1.
Các khách hàng đã đăng ký tham gia đấu giá sẽ được hoàn trả lại tiền nộp hồ sơ. Thời gian tổ chức lại buổi đấu giá sẽ được huyện thông báo sau khi rà soát pháp lý, điều kiện, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
57 lô đấu giá đợt 1 tại xã Cao Dương có diện tích từ 74-135 m2. Trước đó, mức giá khởi điểm của các thửa đất chỉ khoảng 7,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, huyện đã tạm dừng đấu giá để điều chỉnh lại hệ số K và nâng giá khởi điểm lên thành 8,8 triệu đồng/m2, tương đương từ 660 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng/thửa. Mức đặt cọc vì thế cũng đã tăng lên thành 131,3 - 237 triệu đồng/lô đất. Huyện Mỹ Đức sắp đấu giá 54 thửa đất, giá khởi điểm chỉ từ 3,5 triệu đồng/m2
Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng 54 thửa đất tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Các thửa đất có diện tích 71 - 174 m2 với giá khởi điểm 3,5 triệu đồng/m2.
Hạn cuối nộp hồ sơ tham gia đấu giá là ngày 23/9. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tại Hội trường UBND xã Mỹ Thành. Người tham gia sẽ đấu giá dưới hình thức bỏ phiếu trực tiếp một vòng.
Trước đó, vào ngày 22/8, huyện Mỹ Đức đã tổ chức đấu giá thành công 11 lô đất ở tại thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn. Diện tích các lô từ 104 - 126 m2, giá khởi điểm 5,4 triệu đồng/m2.
Kết quả, tổng giá trị thu về hơn 36,3 tỷ đồng, nhiều hơn so với giá khởi điểm khoảng 29,5 tỷ đồng. Trong đó, thửa số 01 có giá trúng cao nhất lên tới 32,97 triệu đồng/m2, chênh đến 27,6 triệu đồng/m2 so với giá khởi điểm.
Hà Nội có thêm 9 dự án bất động sản đủ điều kiện mở bán, đa phần đều giá cao
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã cập nhật danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện mở bán trên địa bàn, tính đến ngày 26/8. Theo đó, thị trường nhà ở tại Thủ đô sẽ có thêm 5.301 sản phẩm, trong đó có gần 4.900 căn hộ chung cư, còn lại là nhà ở thấp tầng và thương mại dịch vụ.
Trong danh sách trên, quận Nam Từ Liêm là địa phương có nhiều dự án mới nhất. Trong đó bao gồm cả dự án Lumi Hà Nội của Công ty TNHH Thương mại và phát triển kinh doanh Ánh Sao. Dự án này nằm tại khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park (khu đô thị Vinhomes Smart City).
9 dự án đủ điều kiện mở bán vừa được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt. |
Về quy mô, dự án sở hữu 2.374 căn thấp tầng và 35 căn thương mại dịch vụ. Riêng các căn hộ chung cư tại dự án đã có giá khởi điểm khoảng 80 triệu đồng/m2.Ngoài ra, danh sách trên còn có một số dự án nổi bật khác như Sunshine Crystal River. “Quân bài chiến lược” của Wonderland còn có tên gọi khác là Noble Crystal Tây Hồ. Dự án có 955 căn hộ cao tầng và 60 căn thấp tầng. Mặt bằng giá căn hộ tại đây được định vị ở phân khúc cao cấp, dao động khoảng 100 - 200 triệu đồng/m2.
Hầu hết các dự án có trong danh sách mở bán đợt này đều tập trung vào các sản phẩm thuộc phân khúc cận cao cấp hoặc cao cấp. Ngay cả với dự án ở xa trung tâm như nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì cũng đang rao bán nhà liền kề, biệt thự từ 20 tỷ đồng trở lên.
Dự án nhà ở xã hội duy nhất có trong danh sách là khu CT-05, CT-06 thuộc khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh). Dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị dự kiến sẽ cung cấp 214 căn hộ cho người lao động thu nhập thấp.
Theo CBRE, nguồn cung chung cư mở bán mới trong quý II/2024 đã tăng gần gấp 4 lần so với quý trước, vượt mức 8.500 căn. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng căn hộ chào bán mới tại Thủ đô đạt hơn 10.840 căn từ 17 dự án. Đây cũng là con số cao nhất từng được ghi nhận được kể từ năm 2020 đến nay.
Tuy nhiên, dù nguồn cung ngày càng được tăng cường nhưng giá bán chung cư bình quân trên thị trường sơ cấp vẫn xấp xỉ 60 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì). Con số này đã tăng 6,5% so với quý trước và tăng gần 25% theo năm. Riêng trong quý II/2024, thị trường chung cư mới tại Hà Nội còn không ghi nhận dự án nào có giá dưới 45 triệu đồng/m2.
Hà Nội sẽ bán đấu giá nhà tái định cư "bỏ hoang"
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 9 dự án tái định cư với quy mô gần 2.500 căn. Tuy nhiên, quá trình đưa dự án vào sử dụng đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn dự án được thiết kế thi công theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đây, nay do thay đổi quy định về phòng cháy chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu.
Ngoài ra, một số dự án trước đó có quyết định cho làm cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, chủ đầu tư đã hoàn thành các hạng mục công trình để phục vụ công tác phòng chống dịch và bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Tuy nhiên, dự án hiện vẫn chưa được bàn giao lại cho chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại, nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào sử dụng để bố trí cho các hộ dân tái định cư theo quy định.
Do đó, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện nơi có dự án tái định cư, rà soát, đánh giá nhu cầu về nhà ở, tham mưu, báo cáo UBND TP. Hà Nội theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với quỹ nhà tái định cư, nếu sau khi đã bố trí nhà cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn căn hộ không sử dụng hoặc sử dụng không hết, Sở đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn.
Giá đất nông nghiệp TP.HCM dự kiến cao nhất 10 triệu đồng/m2
Mới đây, Sở Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã có báo cáo tổng hợp thông tin lý giải những thắc mắc của dư luận xoay quanh bảng giá điều chỉnh đang lấy ý kiến.
Về giá đất, theo số liệu tổng hợp thì giá đất dự kiến tại dự thảo bảng giá đất điều chỉnh có tăng so với bảng giá đất tại Quyết định số 02/2020 ngày 16/01/2020 của UBND thành phố khoảng 7 lần. Tuy nhiên, bảng giá cũ khi sử dụng phải nhân với hệ số K là 3,5. Do đó, thực tế dự thảo bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần so với trước.
Đối với đất nông nghiệp, theo Quyết định 02, đất tại các quận huyện có giá 86.400 - 300.000 đồng/m2, tuỳ từng vị trí và loại đất (đất trồng lúa, trồng cây lâu năm, đất làm muối, đất nuôi trồng thuỷ sản...)
Còn theo bảng giá điều chỉnh, giá đất nông nghiệp dự kiến thấp nhất 380.000 đồng/m2, cao nhất gần 10 triệu đồng/m2.