"Trung Quốc +1" và cơ hội với Việt Nam
Tại phiên thảo luận 1 trong Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 24/8, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích xu hướng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ góc nhìn cơ quan quản lý.
Theo ông Sử, dòng vốn đầu tư lưu chuyển có yếu tố Trung Quốc + 1 để chia sẻ sự rủi ro khi các nhà đầu tư không muốn bỏ hết trứng vào một giỏ. Trung Quốc + 1 được khởi nguồn từ năm 2010, bắt đầu từ nhà đầu tư Nhật Bản đến Hàn Quốc, đến châu Âu và Hoa Kỳ, diễn ra làm 3 đợt. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố này còn nhiều xu hướng khác, như sự tái định vị các quốc gia xuất khẩu nguồn vốn lớn, chính sách của họ có tác động đến nhà đầu tư của các quốc gia đó để định hình lại dòng vốn của mình, điển hình là chính sách của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến tranh thương mại.
Thứ hai là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng do sự kiện bất thường như dịch bệnh, xung đột Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư tái cơ cấu chuỗi cung ứng, nên Đông Nam Á nổi lên và tạm được gọi là nơi “san sẻ bệ đỡ” khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong đó Việt Nam là địa điểm được các nhà đầu tư quan tâm nhất.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Lê Toàn |
Về xu hướng sắp tới, ông Sử cho rằng, hơn 60% đầu tư vào Việt Nam là các lĩnh vực chế biến chế tạo, các ngành này cũng thu hút nguồn vốn lớn nhất tại các địa điểm tập trung khu công nghiệp có hạ tầng sẵn, cung cấp năng lượng sẵn sàng, hệ thống nước thải ổn định, người lao động tập trung cao…
Trong đó, top 5 nhà đầu tư vào Việt Nam lớn nhất có các nước Đông Bắc Á và Singapore, bởi điểm chung là sự thân thuộc về văn hoá “dùng đũa”. Đó là yếu tố quan trọng bên cạnh sự gần gũi về địa lý dẫn đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư.
Sau đó, xu hướng các dòng vốn có sự dịch chuyển tương đối bởi sự xuất hiện các nhà đầu tư khu vực Tây Âu (Đức, Hà Lan, Pháp…) và Bắc Mỹ xuất hiện nhiều. Trong các lĩnh vực Việt Nam khuyến khích thu hút như năng lượng tái tạo (sau cam kết COP 26 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tập đoàn năng lượng đã đến muốn hợp tác Việt Nam để phát triển), công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao thân thiện môi trường là định hướng chung…
Đại diện cho doanh nghiệp trong các nước Đông Bắc Á, ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, hiện nay, các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc đều khẳng định họ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng các dự án lớn tại Việt Nam.
Ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Kocham chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Lê Toàn |
Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, ông Paul Wee, Giám đốc tài chính, Công ty BW Industrial đưa ra ba yếu tố lớn. Thứ nhất là sự cải thiện về cơ sở hạ tầng. Theo ông Wee, Chính phủ Việt Nam cần cam kết hoàn thành các tuyến đường đúng hạn, vì Việt Nam đã có nhiều tuyến đường không đúng hạn như Metro.
Thứ hai là với các nhà đầu tư lớn, họ kỳ vọng ổn định nguồn cung năng lượng, cung cấp điện đảm bảo cho sản xuất.
Thứ ba là Việt Nam muốn thu hút nhà đầu tư công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thì vấn đề đào tạo là hết sức quan trọng. Những tập đoàn "đại bàng", hay “ong chúa” quốc tế sẽ đến và thu hút thêm các nhà đầu tư khác, nhưng họ cần nguồn nhân lực từ nước sở tại và điều này đến từ giáo dục, đào tạo.
Khu công nghiệp phía Bắc đang thu hút nhiều nhà đầu tư “ong chúa”
Theo ông Paul Wee, phía Bắc Việt Nam đang thu hút được nhiều nhà đầu tư "ong chúa." Trong nửa đầu năm nay, phía Bắc phát triển khá mạnh vì hệ sinh thái sẵn có, trong khi miền Nam tăng trưởng hơi chậm vì năm ngoái đã tăng trưởng tốt. Dù vậy, gần đây nhà đầu tư công nghệ đang dịch chuyển về phía Nam, bởi họ cho rằng đã có nhiều "ong chúa" công nghệ ở miền Bắc.
Phía Bắc có nhiều nhà đầu tư về logistics, chế biến…, còn miền Nam là các nhà đầu tư thương mại, logistics, may mặc… Thời gian tới, nhà đầu tư sẽ cân nhắc và có thể nhắm đến phía Nam bởi giá đất ở phía Bắc gây ra một số trở ngại. Bên cạnh đó, nhiều công ty địa phương ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên sản xuất chậm lại, hiện họ đang phục hồi và trở thành khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm kho bãi của BW. Đặc biệt, các nhà máy 2 tầng đang cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Ông Paul Wee, Giám đốc tài chính, Công ty BW Industrial chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất của Diễn đàn. Ảnh: Lê Toàn |
Bổ sung về lý do phía Bắc đang thu hút được nguồn vốn đầu tư, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. HCM (HBA) cho biết, 30 năm trước, phía Nam là khu vực số 1 về bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Khi quỹ đất hẹp đi thì nhà đầu tư chuyển sang Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên, khu vực này có địa chất yếu, trong khi các ngành sản xuất có công nghệ cao, chi phí lớn dẫn đến nhà đầu tư chuyển dần sang khu vực phía Bắc.
Tại TP. HCM, ông Đức cho biết, việc thu hút đầu tư tiếp tục phát triển nhưng những vấn đề tồn tại là quỹ đất. Hiện TP. HCM đang có 18 khu chế xuất, công nghiệp, khu công nghệ cao với tỷ lệ lấp đầy là 80%.
Quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp TP.HCM đã có chuẩn bị nhưng vướng quy hoạch, đền bù giải toả. Theo đó, Thành phố đã xin Thủ tướng Chính phủ thành lập khu công nghiệp Phạm Văn Hai với diện tích 668 ha. Hiện Thành phố đang triển khai quy hoạch, đấu thầu. Đây là một cơ hội cho các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch HBA trao đổi tại Phiên thảo luận thứ nhất của Diễn đàn. Ảnh: Lê Toàn |
Vừa đón “đại bàng”, vừa chăm “chim yến”
Tại Việt Nam, 20% dự án lớn chiếm 80% giá trị nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chứng tỏ sự quan trọng của các “đại bàng”. Tuy nhiên, 80% các dự án đến từ các nhà đầu tư “chim yến” cũng vô cùng quan trọng. Vấn đề đặt ra là làm sao để Việt Nam vừa đủ sức đón "đại bàng", vừa có thể chăm sóc "chim yến"?
Ông Đỗ Văn Sử cho rằng, để thu hút được các "đại bàng", hay "ong chúa", là chiến lược tập trung cho các chính sách bệ đỡ và đã có những thành công bước đầu. Các "đại bàng" sẽ có yêu cầu, đòi hỏi khác về việc giữ môi trường hài hoà cho nhà đầu tư. Đặc biệt về vấn đề quỹ đất, các tập đoàn lớn sẽ yêu cầu quỹ đất tương ứng để đáp ứng cho các đối tác, doanh nghiệp phụ trợ khác vào.
“Trong 5 năm sau, khi các đại bàng phát triển thêm 50 investor thì cần đi kèm hạ tầng xã hội, phụ trợ để phục vụ đại bàng và chim én chạy xung quanh. Các tập đoàn lớn còn chịu ảnh hưởng từ chính sách môi trường ngày càng cao về cung cấp năng lượng sạch để gia nhập các thị trường khắt khe nhất bảo vệ môi trường”, ông Sử nhấn mạnh và cho biết thêm, yếu tố chi phí cũng sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Đào Xuân Đức cho rằng, thủ tục hành chính cơ quan Nhà nước được rút ngắn thời gian sẽ giúp giảm chi phí cho nhà đầu tư. Ngoài ra, phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ giúp doanh nghiệp giảm đến 30% chi phí – một con số rất lớn.
Còn ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, đồng VND so với USD đang có lợi với Việt Nam. Sản xuất với tỷ giá này thì Việt Nam cần có chính sách, chiến lược vì giá điện, giá đất không giảm nên cách chính là đến từ vấn đề vĩ mô làm sao ổn định được tỷ giá, tiền tệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí.