Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt thì con đường đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trở thành nút thắt quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đòi hỏi họ phải có cái nhìn toàn cầu. Do vậy, việc phát triển thương mại điện tử là một điều tất yếu.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2015, Việt Nam có gần 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số lượng các mặt hàng thương mại cũng vì thế tăng lên đáng kể, tạo ra sức ép lớn trong việc quảng bá sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng. Trong bối cảnh ấy, kinh doanh trên các ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến đang nổi lên như một hướng đi tích cực và mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Tại Hội thảo "Tăng cường năng lực cho DNNVV thông qua đổi mới công nghệ” do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ Châu Á (US - ASEAN) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20/9, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc khối DNNVV khu vực APAC và các thị trường mới nổi cho biết: Tính trong “hệ sinh thái” Facebook, Việt Nam đứng thứ nhất trên thế giới về mức độ tương tác giữa người dùng với các trang doanh nghiệp; đứng thứ hai trên thế giới về tỷ lệ xuất khẩu và quảng cáo thông qua Facebook và thứ 18 về mức độ hoạt động kinh doanh trên mạng.
Cùng với đó, kênh Youtube cũng ngày càng thu hút thêm nhiều lượt truy cập từ phía người dùng Việt Nam. Hiện tại, một người Việt Nam dành 45 phút truy cập Youtube/ ngày, dẫn đầu về thời gian xem cũng như số lượng người dùng Youtube trong khu vực Đông Nam Á.
Hay theo chia sẻ từ theo ông Daniel P. Le – Phụ trách phát triển các thị trường mới nổi của Google tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trung bình mỗi người Việt Nam sẽ rút điện thoại ra 120 lần/ngày.
Mặt khác, khách hàng có tâm lý lựa chọn mặt hàng trên cơ sở quy định tính chuyên nghiệp và đáng tin cậy từ website của doanh nghiệp. Do đó, để trang web thu hút được khách hàng, trước hết phải đảm bảo công thức vàng “3 giây”, tiếp đó là sự đa dạng và tính thẩm mĩ của hệ thống menu thông tin.
Vì vậy, đổi mới công nghệ là một trong những biện pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp giải quyết hàng loạt những vấn đề trọng điểm như: nâng cao năng suất tiêu thụ, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo được vị thế bền vững trên thị trường.
Thực tế, có không ít doanh nghiệp nhờ đổi mới công nghệ đã đưa sản phẩm của mình “cất cánh” thành thương hiệu quốc tế.
Đầu tư cho công nghệ rõ ràng đã mang lại nhiều lợi ích nhưng trên thực tế, đó không phải là điều dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, bài toán được đặt ra là với trình độ công nghệ và năng lực của DNNVV Việt Nam khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, khi đó, theo quy luật thị trường, hàng hóa có giá cả hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng sẽ tồn tại và ngược lại.
Vì vậy, để có đủ sức cạnh tranh thương mại với các nước trong khu vực, việc tiếp cận và nâng cao trình độ công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại của DNNVV Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.