Việt Nam cần tiếp tục củng cố lĩnh vực tài chính

(ĐTCK) Việt Nam cần tiếp tục củng cố lĩnh vực tài chính và duy trì động lực cải cách, có như vậy nền kinh tế mới có thể tận dụng được nguồn lực từ kênh này để hỗ trợ hoạt động đầu tư.
Việt Nam cần tiếp tục củng cố lĩnh vực tài chính

Chính sách tiền tệ năm 2016: Thành công

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thành công chính sách tiền tệ trong năm 2016, áp dụng một hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt và thực hiện kịp thời các biện pháp phòng chống có hiệu quả trong việc quản lý các cú sốc từ bên ngoài. Mặc dù thị trường tài chính quốc tế biến động mạnh do “Brexit”, bầu cử Tổng thống Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất…, đồng tiền Việt Nam vẫn giữ được xu hướng ổn định.

Với thị trường ngoại hối ổn định và cán cân thanh toán ngoại thương được tăng cường, Ngân hàng Nhà nước đã củng cố dự trữ ngoại hối. Lạm phát cao hơn trước, nhưng vẫn ở mức vừa phải. Điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất chính sách ổn định, trong khi lãi suất cho vay thương mại giảm 0,5 - 1%/năm trong quý cuối cùng của năm 2016.

Diễn biến toàn cầu cần được giám sát chặt chẽ và có  các hành động chính sách thích hợp nhằm tận dụng cơ hội và đối  phó hiệu quả với những cú sốc 

Năm 2017, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là giữ lạm phát dưới mức 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng và sự ổn định của thị trường tiền tệ.

Liên quan đến lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý, việc thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, điện, nước và tăng lương tối thiểu sẽ góp phần gây áp lực lạm phát. Ngoài ra, giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu dự kiến cao hơn có thể làm gia tăng áp lực lạm phát.

Do đó, cần thận trọng trong các phản ứng chính sách và phải có mục tiêu để kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, diễn biến toàn cầu cần được giám sát chặt chẽ và có các hành động chính sách thích hợp, nhằm thu được lợi ích từ những cơ hội, đồng thời đối phó hiệu quả với các cú sốc bất ngờ.

Quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng còn chậm

ADB đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng trong 5 năm qua. Trong quá trình tái cấu trúc, ngành ngân hàng đã giải quyết được vấn đề sở hữu chéo và cho vay ưu đãi riêng dựa trên những mối quan hệ.

Tuy nhiên, nhìn chung, quá trình tái cấu trúc đang diễn ra khá chậm. Năm 2016, không có thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng nào được hoàn thiện. Lợi nhuận lĩnh vực ngân hàng ở mức thấp, phản ánh tài sản bị giảm sút ở mức độ cao.

Nếu thiếu những cải cách ở mức độ sâu rộng hơn, hệ thống ngân hàng sẽ trở nên nhạy cảm với các cú sốc, gia tăng rủi ro tài chính và các chi phí tiềm tàng ở khu vực công.

Hơn nữa, nợ xấu tuy đã giảm xuống còn khoảng 2,6% trong tổng số nợ chưa được xử lý, nhưng đa phần trong số đó giảm là nhờ các khoản nợ được chuyển tới Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Công ty này đang đóng vai trò “nhà kho nợ xấu”, nếu thiếu bộ khung pháp luật đầy đủ cho việc phá sản ngân hàng và phát mại tài sản, quá trình giải quyết nợ xấu sẽ bị hạn chế.

Thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới hiện nay được kỳ vọng sẽ dẫn tới sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, Internet và các ứng dụng dựa trên nền tảng web. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần củng cố xu hướng tăng trưởng mạnh, thành công trong quá trình chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Khi nền kinh tế tăng trưởng và doanh nghiệp phát triển, sẽ có nhiều cơ hội cho ngân hàng đưa ra các sản phẩm và dịch vụ đa dạng. Bên cạnh các sản phẩm ngân hàng truyền thống (như tiền gửi tiết kiệm, thẻ tín dụng), khách hàng sẽ gia tăng nhu cầu với các công cụ tài chính mới cho phép họ giao dịch thuận tiện hơn qua biên giới và giảm thiểu các rủi ro tài chính.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt và các phương tiện bao gồm mobile banking, e-banking, internet banking…

Sự trỗi dậy của công nghệ tài chính (fintech) có thể giúp giảm chi phí giao dịch (thời gian và các chi phí liên quan) trong việc phục vụ các tài khoản giá trị thấp và trong mở rộng dịch vụ tài chính cho những người hiện chưa tiếp cận với thị trường tài chính.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của những công nghệ mới đi kèm với đó là những thách thức cho các ngân hàng. Những vấn đề mới, thách thức mới đang đặt ra là làm thế nào để đảm bảo được an ninh, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán và dịch vụ có liên quan tới thanh toán không dùng tiền mặt; làm thế nào để tạo nên hệ thống hiệu quả bảo vệ người dùng/khách hàng của lĩnh vực dịch vụ ngân hàng.

Ứng dụng công nghệ mới vào dịch vụ ngân hàng cũng cần chú trọng tới việc làm giảm nhẹ rủi ro và những nỗi lo về tội phạm công nghệ số, cũng như đảm bảo hệ thống duy trì hoạt động an toàn và hiệu quả.

Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục