Chẳng hạn, mới đây, HDBank thông báo tuyển 1.500 nhân sự làm việc tại hơn 220 điểm giao dịch trên khắp cả nước, với các vị trí cần tuyển là chuyên viên khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Riêng tại khu vực Hà Nội và TP.HCM, HDBank tuyển thêm chuyên viên thẩm định, thẩm định giá và xử lý nợ.
“Đây chỉ là đợt tuyển dụng đầu tiên trong năm nay. Sắp tới, sẽ còn nhiều đợt tuyển dụng khác để phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng”, đại diện HDBank cho biết.
Chỉ những nhân sự được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp mới tạo ra sự khác biệt trong dịch vụ để thu hút được khách hàng.
Tương tự, từ đầu tháng 1, VPBank và VietinBank cũng công bố việc tuyển dụng ở nhiều vị trí khác nhau ngay trong quý I/2017, tuy nhiên, các ngân hàng này không công bố cụ thể số lượng người cần tuyển. Trước đó, Sacombank thông báo tuyển thêm 1.000 nhân sự, ACB tuyển 800 chỉ tiêu…
Theo đánh giá của giới phân tích, bài toán khó nhất đối với các ngân hàng là vừa đảm bảo phát triển ổn định, vừa tạo sự bứt phá để cạnh tranh. Và chìa khóa để thực hiện được điều này là tìm và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, từ đó tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm và dịch vụ... Tuy nhiên, đây là điều không hề dễ dàng với các ngân hàng, khi trên thực tế, nguồn nhân lực của ngành vẫn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Theo công bố mới nhất của Navigos Search, riêng trong quý IV/2016, ngành tài chính-ngân hàng là một trong 3 ngành đứng vị trí đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao (chiếm 11% tổng nhu cầu). Navigos Search dự báo, trong năm 2017, ngành này tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao.
Sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự, theo đánh giá của một lãnh đạo lâu năm trong ngành, là do các ngân hàng đang kỳ vọng tình hình kinh doanh năm nay sẽ tiếp tục khởi sắc, nhất là với hoạt động tín dụng, nên tranh thủ tăng nhân lực để mở rộng thị phần, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Theo kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2017 do Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện cho thấy, thị trường lao động ngành ngân hàng hứa hẹn sẽ sôi động, khi có tới 71% TCTD dự kiến tăng thêm lao động. Trước đó, trong cuộc điều tra năm 2016, có 25,6% TCTD vẫn muốn tuyển thêm lao động vào cuối năm, dù 50,5% TCTD đã tuyển được lao động trong thời gian này.
Cũng theo cuộc điều tra trên, riêng quý I/2017, có đến 46,5% TCTD dự định tăng nhân sự làm việc toàn thời gian và gần như không có đơn vị nào có ý định cắt giảm người. Theo đó, dự kiến trong năm nay, 89,5% TCTD kỳ vọng lợi nhuận của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng đạt 13,4%, cao hơn so với mức tăng bình quân ước tính của năm trước.
Không chỉ với các chỉ tiêu nhân viên chính thức, mà ngay cả với các chương trình thực tập sinh, chẳng hạn tại HDBank, Techcombank, Sacombank…, các ngân hàng đều đưa ra những cam kết hấp dẫn ứng viên như: được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, có cơ hội trở thành nhân viên chính thức… Techcombank cho biết, có tới 60% nhân sự mới tuyển dụng hàng năm là những sinh viên mới ra trường.
Bên cạnh việc tuyển dụng chính thức, cũng không ít ngân hàng rầm rộ tuyển dụng lao động theo chế độ cộng tác viên, làm việc bán thời gian, nhất là ở những ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân.
Giám đốc nhân sự một ngân hàng chia sẻ, trong bối cảnh các ngân hàng đều tập trung đẩy mạnh việc bán lẻ như hiện nay, thì yếu tố quyết định của chiến lược này chính là con người.
“Chỉ những nhân sự được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp mới tạo ra sự khác biệt trong dịch vụ để thu hút được khách hàng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có chính sách chuyên biệt mới có thể tuyển dụng và giữ được đội ngũ nhân lực chất lượng, bên cạnh chế độ lương thưởng hợp lý”, vị giám đốc này nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, nhân sự giỏi luôn là vấn đề nóng trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, đặc biệt là vị trí cấp lãnh đạo. Và đầu năm, thời điểm mà các ngân hàng lên kế hoạch kinh doanh, cũng là lúc vị trí này có nhiều thay đổi. Vừa qua, nhiều ngân hàng công bố nhân sự mới, ở các vị trí chủ chốt, được chiêu mộ từ ngân hàng bạn.
Chẳng hạn, VietBank có ít nhất 2 lãnh đạo cấp cao từ Techcombank chuyển sang là ông Nguyễn Đăng Thanh nắm quyền Tổng giám đốc VietBank và bà Nguyễn Ngọc Quế Chi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc. Mới đây nhất, VietABank ra quyết định bổ nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc VietABank đối với ông Nguyễn Văn Hảo, thay ông Lê Xuân Vũ xin thôi nhiệm vì lý do cá nhân.