Việt Nam cần tập trung thu hút vốn đầu tư dài hạn

(ĐTCK) Việt Nam đã tương đối thành công trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư ngắn hạn, nhưng để thị trường tài chính, chứng khoán có chiều sâu và bền vững, việc cần làm là thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn. 
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh, ông Mark Field Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh, ông Mark Field

Doanh nghiệp Việt Nam cần sớm áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, còn ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần xây dựng nhà nước pháp quyền, nhằm tạo sự công bằng và nhanh gọn trong xử lý các quan hệ kinh tế. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh, ông Mark Field trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán. 

TTCK Việt Nam năm 2017 đã tăng trưởng rất mạnh về quy mô vốn hóa và điểm số, nhưng tính bền vững chưa định hình rõ nét. Theo ông, để TTCK có chiều sâu và bền vững, yếu tố cốt lõi cần xây dựng là gì?

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tương đối thành công trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư ngắn hạn. Tốc độ tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong năm 2017 rất ấn tượng. Điều cần thiết trong thời gian tới là thu hút thêm dòng vốn đầu tư dài hạn thông qua việc duy trì lòng tin của nhà đầu tư.

Để đạt được điều này, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tỷ giá đồng nội tệ. Ngoài ra, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, bao gồm sự thống nhất trong các quy định quản lý cũng như tính minh bạch của thị trường.

Từ kinh nghiệm của nước Anh, nhà nước pháp quyền là một yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư và các công ty. Bởi khi đó, các chủ thể trong nền kinh tế được đảm bảo rằng, họ luôn có thể sử dụng các quy chế giải quyết tranh chấp khách quan, công bằng và thủ tục nhanh gọn.

Dòng vốn đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan... đang rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Vậy với nhà đầu tư từ nước Anh, bên cạnh quỹ đầu tư quen thuộc là Dragon Capital đã song hành cùng TTCK từ 20 năm, xin ông cho biết mức độ quan tâm đầu tư của dòng tiền từ nước Anh đến Việt Nam?

Số lượng các nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ của Anh quan tâm tới thị trường Việt Nam ngày càng tăng. Các công ty rất nhạy bén với mức độ minh bạch của thị trường, bởi việc tiếp cận thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư tài chính. Bên cạnh đó, việc hài hòa các chuẩn mực tài chính cũng rất quan trọng, ví dụ việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá được tiềm lực tài chính của công ty một cách hiệu quả hơn.

Ở một khía cạnh khác, các công ty Việt Nam có thể nghĩ đến việc huy động vốn ở các Sở giao dịch nước ngoài. Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) là một trong những sở giao dịch lớn nhất trên thế giới và luôn chào đón các công ty đến niêm yết tại đây.

LSE thu hút rất nhiều nhà đầu tư, công ty và các chuyên gia phân tích, do đó việc niêm yết tại LSE sẽ giúp các công ty Việt Nam tiếp cận vốn dễ dàng hơn và được biết đến nhiều hơn. Năm 2016, Dragon Capital đã niêm yết quỹ lớn nhất của họ tại LSE và chỉ sau 1 năm, Quỹ VEIL đã trở thành quỹ đầu tư đầu tiên tập trung vào thị trường Việt Nam được nằm trong giỏ tính chỉ số FTSE 250.

Xin ông chia sẻ một số cam kết giữa hai quốc gia trong việc hợp tác phát triển thị trường tài chính? Ở vị thế một quốc gia có nền tài chính phát triển, nước Anh đã và sẽ hỗ trợ Việt Nam những mảng việc gì trong lĩnh vực này, thưa ông?

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Tài chính từ năm 2012 (được ký lại từ năm 2015) để hỗ trợ các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên.

Theo khuôn khổ chương trình hợp tác kỹ thuật song phương, nước Anh đã chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp;  thực thi và quản lý các sản phẩm mới như sản phẩm phái sinh, quỹ hưu trí tự nguyện và hỗ trợ khuôn khổ tài chính cho các dự án hợp tác công tư.

Chúng tôi hy vọng, trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua Quỹ thịnh vượng, không chỉ trong các lĩnh vực như phát triển thị trường vốn mà còn ở những lĩnh vực mới như tài chính xanh.

Ông nghĩ như thế nào về vai trò của nước Anh là trung tâm tài chính sau Brexit?

Chúng tôi tin tưởng rằng, nước Anh vẫn sẽ giữ vị thế dẫn đầu trên thế giới về dịch vụ tài chính. Bản thân London luôn là một trung tâm tài chính toàn cầu chứ không chỉ là cánh cổng để tiếp cận với thị trường EU. Theo số liệu của UNCTAD, nước Anh dẫn dầu thế giới về thặng dư thương mại trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm trong năm 2016.

Có 250 ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại Anh và 17% tổng giá trị các khoản vay quốc tế. Con số này lớn hơn bất kỳ trung tâm tài chính nào trên thế giới. Các công ty tài chính Anh có nhiều kinh nghiệm làm việc với các thị trưởng mới nổi cũng như có bề dày lịch sử trong việc đổi mới, sáng tạo dịch vụ tài chính.

Riêng ở lĩnh vực tài chính xanh, LSE được xếp hạng thứ nhất trong các sở giao dịch lớn trên thế giới về chỉ số sở giao dịch chứng khoán phát triển bền vững của UN (UN’s Sustainable Stock Exchanges Index). 

Tường Vi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,282.82 -7.36 -0.57% 113,457 tỷ
HNX 242.81 -1.1 -0.45% 1,015 tỷ
UPCOM 91.45 -0.03 -0.03% 372 tỷ