Phát biểu tại buổi Đối thoại, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, cuộc Đối thoại kinh tế Việt Nam- Nhật Bản 2017 diễn ra trong bối cảnh hợp tác giữa Việt Nam- Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp trên nhiều phương diện.
“Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có chuyến thăm chính thức đến Thủ đô Hà Nội từ ngày 15-17/1. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là cơ sở vững chắc để tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ Nhật Bản trong thời gian tới”, ông Lộc khẳng định.
Người đứng đầu VCCI cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp Nhật Bản đều là những doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh, kinh nghiệm xã hội cũng như hiệu quả đầu tư cao. Việc đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Nhật sẽ góp phần mang lại sự thay đổi cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời là tấm gương lớn để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và nâng cao kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp.
Tại cuộc đối thoại, đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nhất cả nước, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết bên cạnh thu hút đầu tư trong nước, tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản do Nhật Bản là một trong những quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam cả về văn hóa, kinh tế.
"Các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư rất sớm tại Vĩnh Phúc và có rất nhiều nhà đầu tư đã thành công tại địa phương, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, điển hình như Toyota, Honda, Mitsumishi…", ông Thành cho biết.
Ông Thành cũng khẳng định thời gian tới, Vĩnh Phúc mong muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp…
"Để thực hiện mong muốn này, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng những khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để Vĩnh Phúc thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cũng đề nghị JCCI hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc trong việc kết nối, vận động các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam; giới thiệu các doanh nghiệp đến Vĩnh Phúc khảo sát môi trường và tìm hiểu cơ hội đầu tư; Giới thiệu các dự án của JCCI để thực hiện dự án tại Vĩnh Phúc nhằm cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.
“Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang xúc tiến, kết nối với tỉnh Saitama và Shizuoka, Nhật Bản để tiến tới đề nghị ký kết hợp tác với 2 tỉnh này, đề nghị JCCI hỗ trợ tỉnh trong việc đề nghị hợp tác với tỉnh Saitama và Shizuoka hoặc giới thiệu cho tỉnh Vĩnh Phúc kết nối với 01 tỉnh của Nhật Bản có tương đồng để tiến tới đề nghị ký kết hợp tác giữa Vĩnh phúc và 01 tỉnh của Nhật Bản”, ông Thành đề nghị.
Phát biểu tại buổi Đối thoại, ông Akio Mimura cho biết, đoàn công tác của JCCI sang Việt Nam lần này gồm 70 doanh nghiệp (DN), đây là những doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, hoạt động trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp quan trọng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…
Giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn đầu tư, thương mại. Do đó, các DN Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, trong đó lĩnh vực được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo linh kiện, đầu máy.
Ông Akio Mimura cho biết quả thăm dò được công bố vào năm 2016 của tờ Asian Nikkei Review cho thấy Việt Nam tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu của DN Nhật Bản tại ASEAN. Theo đó, có tới 53% doanh nghiệp Nhật Bản, phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản nêu tên Việt Nam trong kế hoạch đầu tư của mình, tăng 5% so với năm trước đó.
“Tuy nhiên để tạo điều kiện cho các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, vì đây đang là một trong những “nút thắt” cản trở đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam”, , ông Akio Mimura đề nghị.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 12/2016, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 3.280 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn đăng ký đạt 42,058 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Với kết quả trên, Nhật Bản xếp thứ 2/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Không chỉ đầu tư mạnh vào Việt Nam, Nhật Bản cũng là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là quốc gia có lượng khách du lịch vào Việt Nam xếp thứ 3 thế giới, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản 10 năm trở lại đây luôn đạt tăng trưởng trung bình 13,9%/ năm.
Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Nhật Bản đạt 9,93 tỷ USD thì nay đã đạt đến con số gần 30 tỷ USD và dự kiến năm 2020 sẽ đạt tới 60 tỷ USD.