Việt Nam cần đổi mới chính sách thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc

(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI vừa diễn ra ngày 4/10, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho rằng, Việt Nam cần đổi mới chính sách thu hút đầu tư và xúc tiến thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, đồng thời nên có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, công nghệ cho các doanh nghiệp để phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân tương xứng với khu vực đầu tư nước ngoài. 
Ông Don Lam (bên trái) cùng các khách mời bên lề Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI Ông Don Lam (bên trái) cùng các khách mời bên lề Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI

Với kinh nghiệm của mình, ông có thể cho biết, Việt Nam có những lợi thế gì để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến nhanh như vũ bão hiện nay?

Việt Nam là một trong những quốc gia mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang để mắt tới, bởi có nhiều lợi thế, như có nền kinh tế đang phát triển năng động và ổn định, lực lượng lao động đông đảo và được đào tạo khá cơ bản, chuyên môn tay nghề vững với năng suất lao động ngày càng cao.

Thị trường đầu tư trực tiếp thông qua việc chuyển giao công nghệ và đầu tư gián tiếp thông qua việc cung cấp vốn tài chính đang rất phát triển và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang làm rất tốt trong việc kêu gọi và thu hút vốn đầu tư.

Bên cạnh những đánh giá tích cực về thu hút FDI của Việt Nam, một số ý kiến cho rằng, hiện đang hình thành 2 khu vực có xu hướng thiếu liên kết, đó là khối FDI đang phát triển rất mạnh và khối doanh nghiệp trong nước còn trì trệ. Ông đánh giá về xu hướng này thế nào và theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để thay đổi sự bất cân xứng này đó?

Theo tôi, bây giờ có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển tốt, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát triển rất nhanh, nhưng họ lại đang thiếu vốn dài hạn để có kế hoạch phát triển dài hơi, ổn định, trong khi đó, các khoản vay ngân hàng đa phần là ngắn hạn.

Để hỗ trợ giải quyết bài toán này, Ban cố vấn Chính phủ về phát triển doanh nghiệp tư nhân (Ban 4) đang tập hợp các đề xuất để tới đây sẽ kiến nghị Chính phủ về cách thức huy động vốn dài hạn, tạo điều kiện cho việc xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thiếu công nghệ quản trị và ứng dụng, nên việc kêu gọi sự hợp tác của các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước sẽ giúp họ thêm lợi thế để tăng trưởng và tăng cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế chia sẻ hiện nay.  

Ông Don Lam 

Đủ được 2 yếu tố vốn và công nghệ, tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn, nhanh hơn và ổn định hơn rất nhiều.

Điều này có nghĩa là vẫn có những hạn chế khiến doanh nghiệp Việt Nam khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như dòng vốn gián tiếp đầu tư vào doanh nghiệp?

Hiện tại vẫn còn một số hạn chế, ví dụ như quy định vốn nước ngoài tối đa 49% ở một số lĩnh vực khiến việc đầu tư bị hạn chế khi có nhu cầu đẩy mạnh phát triển. Chúng ta nên có chính sách nhất quán và thông thoáng trong hoạt đồng đầu tư tài chính để các nhà đầu tư có đủ thông tin trong việc xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam.

Điều thứ hai cũng là cản trở lớn nhất là Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp đủ lớn để họ đầu tư, do đó rất cần thiết để đẩy mạnh việc cồ phần hoá những doanh nghiệp nhà nước lớn nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn và công nghệ vào để giúp doanh nghiệp đó tái cơ cấu, phát triển ổn định và vươn ra tầm khu vực.

Theo ông để hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả và đạt kỳ vọng cả về hiệu ứng kinh tế lẫn việc lan toả tới khu vực doanh nghiệp tư nhân thì Việt Nam cần có những chính sách thu hút như thế nào trong giai đoạn tới?

Theo tôi, trong tương lai, các cơ quan chức năng cần có chính sách thu hút FDI có chọn lọc để giúp Việt Nam phát triển nhanh chóng và bền vững, cần có những tiêu chí rõ ràng liên quan đến  tính minh bạch và hỗ trợ của các nhà đầu tư, công nghệ và những cam kết với môi trường của các dự án…, nhất là khi chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nếu nhà đầu tư mang công nghệ cũ và lỗi thời thì sẽ không thể giúp Việt Nam phát triển kinh tế đồng thời gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng tới công đồng, xã hội. Tôi thấy đó là điều quan trọng nhất mà chính sách thu hút FDI nên có trong thời gian tới. 

Nhìn chung, cá nhân tôi cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh cải cách tích cực môi trường kinh doanh và đầu tư cũng như việc hoàn thiện thể chế và chính sách tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư trong thời gian qua. Đến nay, những chính sách này nhìn chung là ổn định và thuận lợi đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nước ngoài cũng phản ánh là đang có sự thiếu công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài về chính sách. Khi đã mở cửa quốc tế thì chúng ta phải tạo ra sự công bằng để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Một điều rất quan trọng nữa là chúng ta cần quảng bá một cách rộng rãi và kịp thời các chính sách ưu đãi đầu tư mà Chính phủ đã rất cố gắng chỉnh sửa và áp dụng để các nhà đầu tư kịp thời nắm bắt được.

Cá nhân tôi và VinaCapital là một trong những đơn vị rất chú trọng việc này, chúng tôi đã tham gia tổ chức rất nhiều những cuộc đối thoại, hội thảo, diễn đàn mà trong đó, Việt Nam luôn là một trong chủ để thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và chúng ta có thời gian nhiều để nói về các cơ hội đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam, về những chính sách mới và về quyết tâm của Chính phủ trong việc cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định cho các nhà đầu tư quốc tế.

Theo đánh giá của ông, lĩnh vực nào tại Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất?

Công nghệ. Đây là lĩnh vực còn mới và rất cần thiết cho các doanh nghiệp khi cố gắng hội nhập kết nối với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế cũng như tham gia sâu hơn vào nền kinh tế chia sẻ mang tinh toàn cầu.

Đây cũng chính là lý do mà chúng tôi vừa thành lập quỹ đầu tư mới có tên gọi VinaCapital Ventures với chiến lược đầu tư chú trọng tới mạng công nghệ. Hai khoản đầu tư đầu tiên mà VinaCapital Ventures vừa thực hiện là thương vụ đầu tư vào FastGo và Logivan vừa được công bố cuối tháng 8/2018.

Đây là 2 công ty sở hữu các ứng dụng gọi xe cho xe chở khác và xe vận tải hàng hóa trên phạm vi cả nước. FastGo sẽ là một trong những ứng dụng “thuần Việt” cạnh tranh trực tiếp với Grab tại VN, với số lượng xe ngày càng nhiều và có thêm dịch vụ bảo hiểm giúp hành khách yên tâm khi sử dụng.

Chúng tôi tin rằng, việc ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển là rất cần thiết và với vai tròn là đối tác, chúng tôi luôn hỗ trợ các công ty  Việt Nam có tiềm năng, có tâm huyết và đồng hành với họ cùng phát triển lên và tự hào là doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được với một số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại đây.

Với giới đầu tư trong nước thì ông là một gương mặt rất thành công trong việc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về vấn đề này?

Trong vòng 20 năm qua, tôi đã có nhiều chuyến đi để kêu gọi vốn về Việt Nam, cùng với các vị lãnh đạo Chính phủ và các bộ ban ngành, trong đó rất nhiều lần đi với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các doanh nghiệp Việt Nam khác.

Có thể nói rằng, tôi đã làm “đại sứ không lương” cho hoạt động quảng bá Việt Nam trong suốt quãng thời gian ấy. Buổi đầu, chúng tôi đã phải nói rất nhiều về đất nước, con người Việt Nam vì khi đó, nền kinh tế nước tacũng chỉ mới phát triển và chưa nhiều nhà đầu tư có hiểu biết Việt Nam.

Đến nay, Chính phủ Việt Nam và các địa phương và các bộ ban ngành cũng đã rất chú trọng công tác này và các nhà đầu tư đã biết về Việt Nam nên cách thức quảng bá và xúc tiến kêu gọi đầu tư cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, như tôi đã trao đổi, việc xúc tiến đầu tư cũng cần hướng tới phù hợp với đối tượng mục tiêu mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư, đó là cần có sự chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài, tìm nhà đầu tư dài hạn hơn, chiến lược hơn, bền vững hơn, sẵn sàng đem vốn, công nghệ và chia sẻ kỹ năng kinh nghiệm quản trị, điều hành và  mạng lưới kinh doanh vào giúp các doanh nghiệp Việt Nam  phát triển, tăng cường năng lực canh tranh tại thị trường khu vực và quốc tế.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục