Bài 1: Gạch nối quá khứ và tương lai
Năm 1991, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức đã gây tiếng vang lớn trong dư luận toàn cầu, để rồi từ đó, dồn dập các làn sóng FDI đổ vào Việt Nam. Ngày 4/10, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra tại Hà Nội: Hội nghị Nhìn lại 30 năm thu hút FDI, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Gạch nối quá khứ và hiện tại
Tại Hội nghị Nhìn lại 30 năm thu hút FDI, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hàng loạt thỏa thuận hợp tác đầu tư, thậm chí là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được ký kết.
Trong số này, không khó để nhận ra những cái tên đã cũ, từ Hutchison Telecommunication (Luxembourg), LG Display, Hyosung (Hàn Quốc), đến Rorze Robotech, Marubeni (Nhật Bản)… và cả những cái tên mới như Delta Offshore Energy (Singapore), UPC Renewables Asia I Limited (Nhật Bản)… Họ là những nhà đầu tư đang lên các kế hoạch đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng tại Việt Nam.
Có những dự án chỉ vài chục triệu USD, nhưng có những dự án có quy mô rất lớn. Chẳng hạn, Dự án Phát triển Nhà máy Điện nổi sử dụng khí hóa lỏng 4 tỷ USD ở Bạc Liêu, hay Dự án Cụm công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí 1,34 tỷ USD của Hyosung ở Quảng Nam, Dự án nâng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD của LG Display ở Hải Phòng…
Tổng vốn cam kết đầu tư của các dự án này có thể lên tới trên 8,5 tỷ USD, gấp hơn 20 lần con số trên 419 triệu USD được cam kết tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) vào năm 1991.
Nhớ lại sự kiện lịch sử đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư kể rằng, Diễn đàn thu hút được sự tham gia của 650 đại biểu, là đại diện của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn, cũng như các đại diện đại sứ quán, lãnh sự quán tại Việt Nam và doanh nghiệp trong nước.
“Bây giờ, nói về một sự kiện kinh tế quốc tế với quy mô như vậy là bình thường, nhưng khi đó, chúng tôi không hề có kinh nghiệm tổ chức, thậm chí thiếu cả địa điểm đúng yêu cầu cho một sự kiện quốc tế”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Tuy vậy, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - là duy nhất cho đến bây giờ - đã thành công vang dội. Sau 5 ngày làm việc, với trên 1.260 cuộc gặp gỡ các bên đối tác đầu tư, 250 cuộc bàn luận không dự kiến, thì 11 dự án đã chính thức nhận giấy phép đầu tư, với tổng vốn 241,6 triệu USD và 24 dự án ký thỏa thuận với số vốn 178 triệu USD. Tổng cộng số vốn FDI được cam kết là trên 419 triệu USD, một con số đầy ý nghĩa với Việt Nam vào thời điểm đó.
Thời điểm đó, việc các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đều tham dự Diễn đàn đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận quốc tế.
Và đặc biệt, sau thông điệp “Việt Nam đang đổi mới, mở cửa, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thì các nhà đầu tư quốc tế càng chú ý hơn tới Việt Nam.
Mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào cuối năm 1987, được đánh giá là cởi mở và tiến bộ nhất khu vực, với việc chấp nhận hình thức 100% vốn nước ngoài, nhưng thực tế, những năm đầu tiên, vốn FDI vào Việt Nam khá e dè.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong cả giai đoạn 1987 - 1990 chỉ khoảng 1,1 tỷ USD. Chỉ sau Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 1991, các làn sóng FDI vào Việt Nam mới dồn dập đổ tới, sóng sau chờm sóng trước và cho đến nay đã đưa tới Việt Nam 335 tỷ USD, trong đó hơn 185 tỷ USD đã được đưa vào thực hiện.
Lũy kế đến ngày 20/9/2018, Việt Nam thu hút được 334 tỷ USD vốn FDI.
Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 185,62 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
30 năm qua, vốn FDI thực hiện đã gia tăng nhanh chóng: giai đoạn 1991-2000 đạt 19,462 tỷ USD, bình quân 1,95 tỷ USD/năm; 2001-2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó, bình quân 5,85 tỷ USD/năm; 2011-2018 đạt 112 tỷ USD, bằng 5,75 lần giai đoạn 1991-2000 và 1,91 lần 10 năm trước đó, bình quân 12 tỷ USD/năm.
Bởi thế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi trao đổi với Báo Đầu tư, cũng không giấu giếm kỳ vọng rằng, bên cạnh việc tổng kết, đánh giá lại những điều được và chưa được sau 30 năm thu hút FDI, cũng như đưa ra định hướng thu hút FDI giai đoạn mới, thì Hội nghị Nhìn lại 30 năm thu hút FDI cũng là một cơ hội để Việt Nam xúc tiến đầu tư trong giai đoạn tới với quy mô lớn hơn.
Thậm chí, không chỉ là số lượng, mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn đặt những kỳ vọng lớn hơn vào chất lượng dòng vốn FDI giai đoạn tới, với mục tiêu gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ quá trình phát triển bền vững, tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Xu hướng dịch chuyển đắt giá
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rằng, có khác biệt nào không giữa vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn trước đây và bây giờ, thì câu trả lời nhận được là, không chỉ khác về số vốn, quy mô và chất lượng dòng vốn FDI cũng khác.
Bởi mỗi thời kỳ, mục đích thu hút FDI là khác nhau. Gần đây nhất, Việt Nam mong muốn thu hút FDI vào các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Việc hàng loạt tập đoàn lớn, như Intel, Samsung, LG, Canon, Bosch… không ngừng đầu tư vào Việt Nam gần đây đã chứng minh cho sự thành công của Việt Nam trong điều chỉnh chính sách thu hút FDI.
Nhưng không chỉ có vậy, bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhận ra sự cần thiết phải dịch chuyển dòng vốn FDI của mình. Ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc, thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) cho biết, xu hướng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua.
Ở giai đoạn đầu tiên, các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào các dự án có thâm dụng lao động như dệt may hay da giày khi các công ty nước này muốn tận dụng Việt Nam như một trung tâm sản xuất.
Sau đó là tập trung vào lĩnh vực điện tử, giá trị đầu tư đã tăng lên và hiện nay là vào các ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ, cũng như vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng và fintech tại Việt Nam.
Trong một báo cáo gần đây gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh về xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Hàn Quốc, bao gồm cả những lĩnh vực liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kinh tế chia sẻ…
Và đó là một xu hướng dịch chuyển đắt giá, bởi ngoài câu chuyện mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư, thì dòng vốn đó sẽ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai.
Không chỉ nhà đầu tư Hàn Quốc, các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore… và nhiều nhà đầu tư khác đã và đang có các dịch chuyển quan trọng trong “khẩu vị” đầu tư.
Thay vì chỉ đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, gần đây, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính - ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.
Trong khi đó, không quá khó để nhận ra, một tỷ lệ lớn vốn đầu tư từ Singapore vào Việt Nam trước đây chủ yếu vào bất động sản và khu công nghiệp, một phần không nhỏ vào sản xuất, dịch vụ hậu cần…, thì nay chuyển sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, như sản xuất công nghệ cao và công nghệ thông tin, vào ngân hàng, y tế và viễn thông ở Việt Nam…
30 năm qua, FDI vào Việt Nam đã trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thành một số ngành chủ lực của nền kinh tế, như viễn thông, dầu khí, điện tử…, cũng như thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết việc làm, đưa Việt Nam bước vào chuỗi giá trị toàn cầu… Nhưng tới đây, với sự chuyển dịch đắt giá này, đóng góp của khu vực FDI sẽ còn lớn hơn nữa.
Cách đây ít lâu, sang Việt Nam và làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Tập đoàn SK, tập đoàn lớn thứ 3 tại Hàn Quốc hiện nay, ông Chey Tae Won cho biết: “Vào Việt Nam sau Samsung, LG, nhưng tôi chọn cách tiếp cận khác, đó là đồng hành với quá trình phát triển của Việt Nam”.
Và đích thân vị Chủ tịch SK đã đề nghị Việt Nam chọn một số ngành kinh tế mũi nhọn để hợp tác đầu tư, đưa những ngành công nghiệp đó phát triển không chỉ ở Việt Nam, mà còn có thể “dẫn dắt thế giới”.
“Tôi rất cảm động khi nghe điều đó. Nhà đầu tư nước ngoài bây giờ cũng thay đổi lớn như vậy đấy, chứ không phải vào Việt Nam để làm ăn chộp giật như nhiều người vẫn tưởng đâu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mỉm cười.
Ai sẵn lòng vào Việt Nam?
Chỉ trước Hội nghị Nhìn lại 30 năm thu hút FDI ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - nhân chuyến đi tới Mỹ để tham dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã có cuộc tọa đàm với 40 tập đoàn lớn của Mỹ, như IBM, AIG, AES, GE, Walmart…
Tại đó, Thủ tướng chia sẻ, nếu các nhà đầu tư hồi hộp trước diễn biến của sàn chứng khoán New York thì “chúng tôi cũng hồi hộp muốn biết các bạn muốn làm ăn gì, mở rộng thế nào ở Việt Nam”.
Và rồi, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư đề xuất những ý tưởng đột phá cho Việt Nam phát triển. “Quan trọng là, cho tôi biết, ai sẵn lòng vào Việt Nam để biến ý tưởng thành hiện thực”, Thủ tướng nói.
Vậy ai sẽ sẵn lòng vào Việt Nam?
Ông Bernerd De Santos, Phó chủ tịch, Giám đốc Điều hành Tập đoàn AES, một trong 200 doanh nghiệp năng lượng có doanh thu lớn nhất toàn cầu và hiện có các dự án đầu tư lớn ở Việt Nam cho biết, Tập đoàn mong muốn tham gia quá trình phát triển kinh tế Việt Nam.
Ông Michael Kelly, Chủ tịch cấp cao The Grand Hồ Tràm Strip, khi chia sẻ với Báo Đầu tư cũng khẳng định: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển cùng Việt Nam”.
Nhưng như thế có lẽ còn chưa đủ. Điều Việt Nam mong chờ là ngày càng nhiều tập đoàn lớn, ngày càng nhiều dòng vốn FDI lớn và có chất lượng đổ vào Việt Nam hơn nữa.
Nhưng làm được điều đó hay không, có lẽ phụ thuộc khá lớn vào hành động của Chính phủ Việt Nam và nó sẽ bắt đầu bằng những thông điệp được Chính phủ gửi đi tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI.
(Còn tiếp)