Vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam bứt tốc
Con số chưa lớn, xu hướng cũng chưa rõ ràng, song cũng không quá khó để nhận ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng nhanh trong những tháng đầu năm nay. Thậm chí, có chuyên gia kinh tế còn tách bạch vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần để nhận định rằng, chính Trung Quốc mới là nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 3 tháng qua.
Cụ thể, trong quý I/2019, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư 137 dự ánđầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 723,18 triệu USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo “bảng tổng sắp” do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, Trung Quốc vẫn đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, với khoảng 1 tỷ USD, sau Hồng Kông (trên 4,4 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam), Singapore (1,46 tỷ USD) và Hàn Quốc (trên 1,3 tỷ USD).
Ngay cả nếu chỉ tính vốn đầu tư trực tiếp (vốn đăng ký mới và tăng thêm), tức là trừ phần vốn đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, thì Trung Quốc vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ ba, sau Singapore và Hàn Quốc. Nghĩa là, theo cách thống kê thông thường, thì Trung Quốc vẫn chưa phải là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm.
Mặc dù vậy, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đang trong xu hướng tăng. Quý I/2016, Trung Quốc chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam tổng cộng gần 297 triệu USD, đứng vị trí thứ sáu. Quý I năm ngoái, con số này tăng lên 823,6 triệu USD, đứng vị trí thứ ba.
Ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright) đã bình luận rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung và việc tăng trưởng kinh tế suy giảm đã khiến Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam. Có vẻ xu hướng này đang hiện hữu.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể khiến cho xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra nhanh hơn, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng thu hút đầu tư nước ngoài
(Báo cáo Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Tuy nhiên, trên thực tế, con số 1 tỷ USD vẫn là khiêm tốn so với tiềm năng thực sự của nhà đầu tư Trung Quốc, vốn luôn đứng đầu về đầu tư ra nước ngoài ở châu Á. Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, tiềm năng này cần được khai thác. Bởi ngoài chuyện kiểm soát các dự án kém chất lượng, hoặc các dự án đầu tư vào Việt Nam nhằm “lẩn tránh” xuất xứ hàng hóa, thì dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vẫn rất đáng quý.
“Không có lý do gì để chúng ta không có định hướng tận dụng lợi thế của Việt Nam, như gần gũi về vị trí địa lý, có quan hệ truyền thống về thương mại và đầu tư… để thu hút đầu tư từ Trung Quốc”, GS-TSKH Nguyễn Mại khẳng định.
Cơ hội là có, vấn đề là cách lựa chọn của Việt Nam.
Bắt đầu hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển FDI
Hai ngày trước, ông Ray Chen, Phó chủ tịch Tập đoàn Compal (Đài Loan) đã có chuyến viếng thăm Việt Nam và có cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Chia sẻ với Phó thủ tướng, ông Ray Chen cho biết, nhà máy lắp ráp máy tính của Compal tại Vĩnh Phúc đã đi vào sản xuất ổn định, các lô hàng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, được khách hàng là các nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới đánh giá cao. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 500 triệu USD.
Cũng theo ông này, Compal muốn mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam để nâng kim ngạch xuất khẩu lên 1,5 - 2 tỷ USD/năm.
Đây là một thông tin gây bất ngờ, bởi Compal đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005, song đình trệ, liên tục thay đổi kế hoạch, khiến dư luận lo ngại về tính khả thi.
Giống như nhiều công ty khác, đặc biệt là các công ty công nghệ, việc Compal tái khởi động dự án tại Việt Nam thể hiện xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Cuối năm ngoái, đúng thời điểm Compal quay trở lại Vĩnh Phúc để khởi động trở lại dự án của mình, một giám đốc điều hành của Compal đã chia sẻ rằng, họ có thể sẽ sử dụng các cơ sở ở Việt Nam, Mexico và Brazil như một “lựa chọn thay thế trong tình hình hiện tại”.
Ngay cả Apple khi gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc cũng đã tính bài dịch chuyển sản xuất ra khỏi thị trường này. Đầu năm nay, New Wing, công ty chuyên sản xuất tai nghe cho Apple đã quyết định đầu tư thêm 110 triệu USD, để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài những cái tên này, thì GoPro, Hasbro, GoerTek, Cheng Uei Precision Industry… cũng được nhắc tới với các kế hoạch có thể sẽ tới Việt Nam. Sự thực là, chỉ trong quý I năm nay, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 10,8 tỷ USD, mức kỷ lục trong 3 năm gần đây.